MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Từ vụ trẻ tử vong vì bắt chước "trò chơi treo cổ": Cha mẹ nên làm gì?

ANH THƯ LDO | 18/10/2020 08:47
Vụ việc bé gái 5 tuổi ở TP Hồ Chí Minh tử vong vì bắt chước "trò chơi treo cổ" trên internet đã cho thấy những rủi ro trên môi trường này rất khó lường.

Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) cho biết, vừa qua bệnh viện có tiếp nhận trường hợp là bé gái D. (5 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TPHCM) đến cấp cấp cứu trong tình trạng nguy kịch do bắt chước "trò chơi treo cổ" trên internet.

Trao đổi với phóng viên về sự việc trên, bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD)- nhận định, bên cạnh những lợi ích, internet còn ẩn chứa rất nhiều rủi ro. Thành tựu công nghệ càng nhiều, những rủi ro cũng có thể diễn biến phức tạp, khó lường.

"Tôi nhận thấy đây là một mô típ lặp lại dưới nhiều hình thức tinh vi và khó nhận biết gây nguy hiểm cho trẻ em. Các clip xúi giục, hành hạ thân thể hay tự sát trên mạng không phải là mới. Trước đây, cộng đồng đã dậy sóng vì Cá voi xanh, hay Momo. Đây là những clip vô cùng nguy hiểm cho trẻ em-đối tượng sử dụng công nghệ rất nhiều và dễ bị tổn thương khi chưa có đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ bản thân"-bà Linh nói.

Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý phát triển bền vững cho hay, dù các cơ quan chức năng đã rất nỗ lực chặn lọc, gỡ bỏ... hay Youtube đã xây dựng riêng 1 nền tảng Youtube Kid dành cho trẻ em, nhưng công nghệ phát triển không ngừng nghỉ và lúc nào cũng sẽ có những lỗ hổng để kẻ xấu tận dụng.

Trong thời đại công nghệ số, thay vì cản, cha mẹ cần nỗ lực nhiều hơn để đồng hành và hành động để bảo vệ con em mình trẻ em.

Để bảo vệ trẻ trước những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, Viện trưởng MSD cho hay, phụ huynh nên kiểm tra xem con mình có đang xem kênh Youtube nào. Nếu con xem Youtube, hãy đảm bảo con xem kênh Youtube Kids – bởi vẫn còn những lỗ hổng nhưng kênh này có nhiều biện pháp kiểm soát an toàn hơn so với kênh Youtube dành cho người lớn.

Phụ huynh có thể cài đặt các chương trình mà con thích xem và có thể bật chức năng kiểm soát để có thể biết con đang xem gì và tìm kiếm gì, cũng có thể tắt chức năng tìm kiếm đối với trẻ nhỏ hơn.

"Hãy nói với trẻ bạn đang cố gắng bảo vệ con an toàn chứ không phải kiểm soát con, nếu có những chương trình nào con muốn xem hãy chia sẻ cùng bố mẹ. Nếu con gặp phải chương trình nào đó khiến con cảm thấy bối rối, lo lắng, con hãy nói và bố mẹ hứa sẽ không tức giận mà cùng con phân tích xem đó có phải là chương trình nên xem hay không"-bà Linh nói.

Khi gặp những trò chơi tương tự như Thử thách Cá voi xanh, Momo, hay trò chơi treo cổ..., bố mẹ cũng cần tìm hiểu và học thêm những rủi ro mà con cái mình có thể gặp phải trên môi trường mạng.

Theo bà Linh, cha mẹ hãy là những người hiểu biết để có thể là những người cung cấp thông tin đáng tin cậy cho con chứ không phải ai khác. Ở từng độ tuổi, bố mẹ đã có thể chọn cách nói chuyện với con một cách phù hợp.

Phụ huynh cần dành thời gian và nỗ lực trong việc nói chuyện với con hàng ngày. Từ đó, nuôi dưỡng tình bạn và sự chia sẻ, đồng cảm với con.

Bà Linh cho rằng: "Việc hiểu con sẽ giúp chúng ta nhanh chóng phát hiện kịp thời các vấn đề con đang gặp trên môi trường mạng, kể cả những trò con tưởng là vô hại, giải trí nhưng là xúi giục nguy hiểm".

Ngoài ra, phụ huynh nên tiếp tục việc xử lý các tình huống giả định, những rủi ro. Từ đó, con cái cũng ý thức trong việc bảo vệ bản thân, gia đình và những người xung quanh an toàn trên môi trường mạng.

Theo bà Linh, việc duy trì thói quan nói chuyện, trao đổi thoải mái với con sẽ cho con biết rằng phụ huynh luôn là địa chỉ tin cậy an toàn và yêu thương để con có thể chia sẻ và tìm kiếm sự trợ giúp khi cần thiết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn