MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Từ vụ “trồng lúa bón sữa tươi": Điểm lại những "sáng kiến" kiểu... trời ơi

Lục Tùng LDO | 21/07/2020 11:00

Trước khi gia đình nông dân Dương Xuân Quả (Phú Xuân, Phú Tân, An Giang) gây ồn ào trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội với quy trình “trồng lúa bón sữa tươi, trứng gà”, vùng ĐBSCL cũng từng gây bão dư luận với những sáng kiến trời ơi, đất hỡi.

Điển hình là sáng kiến bón xi măng cho cây lúa. Đầu năm 2016, câu chuyện nông dân xã Long Hậu (Lai Vung – Đồng Tháp) cho biết, ruộng lúa tốt hơn xung quanh nhờ bón thêm xi măng vào ruộng đã dấy lên cơn bão dư luận.

Chuyện bắt đầu từ việc nông dân quan sát đám hoa màu gần đường thoát nước của khu vực trộn hồ, có màu xanh tốt vượt trội nên vận dụng vào ruộng lúa. Theo lời của các “chính chủ” thì năng suất lúa trên ruộng có có bón xi măng từ bằng đến cao hơn đám ruộng không bón xi măng. 

Khách mời đến tham quan lúa được bón sữa tươi, trứng gà. Ảnh: TL

Ngay sau khi truyền thông đưa tin, lập tức nhiều chuyên gia, cơ quan truyền thông đồng loạt lên tiếng, khẳng định đó là biện pháp phi khoa học. Cùng một số đơn vị truyền thông, Báo Lao Động cũng đã vào cuộc quyết liệt, dẫn lời nhiều nhà khoa học phản bác lại phương thức cung cấp dinh dưỡng trái khoái này.

Trên báo Lao Động, thạc sĩ Nguyễn Phước Tuyên (Đồng Tháp) đã đưa ra cảnh báo đỏ về những hệ lụy lâu dài: Với đặc tính kết dính của  xi măng, nếu không dừng lại, nông dân có thể cất nhà lầu trên ruộng lúa vì đất chai cứng và thoái hóa. Hơn thế nữa, nó còn có thể gây độc hại đến môi trường, sinh vật trong đất.

Với sự vào cuộc quyết liệt của các nhà khoa học, không lâu sau, Bộ NNPTNT nhập cuộc và có văn bản nghiêm cấm. Biện pháp canh tác bón xi măng cho lúa đã nhanh chóng bị triệt tiêu.

Tuy nhiên, đây có lẽ là lần hiếm hoi đồng đất có được sự may mắn. Thực tế cho thấy có nhiều “tối kiến” được nuôi dưỡng, thậm chí được “tôn vinh”. Điển hình là việc đắp đất vun gốc quýt mỗi năm sau thu hoạch ở Vương quốc quýt hồng Lai Vung (Lai Vung – Đồng Tháp).

Quýt hồng Lai Vung chết hàng loạt. Ảnh: LT

Sau thời gian quýt hồng chết hàng loạt không loại phân thuốc nào cứu được, năm 2019 Sở NNPTNT Đồng Tháp mời chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước về nghiên cứu.

Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện cho biết: “Qua khảo sát mẫu đất, nước tưới và toàn bộ cây quýt từ rễ, thân, trái... các chuyên gia kết luận: quýt hồng chết là do biện pháp canh tác... Cụ thể là tập quán đắp đất lên gốc quýt sau thời gian canh tác, nhưng nguồn đất có chứa các kim loại nặng đã góp phần tạo ra vi khuẩn gây hại làm thối rễ, khiến cây mất sức dẫn đến dễ bị bệnh tấn công”.

Thực tế cho thấy, sau nhiều năm vun đất, nhiều nơi, gốc quýt nằm dưới mặt đất đến trên nửa mét. Đất chai lỳ khiến quá trình trao đổi của rễ gặp khó khăn. Tuy nhiên, trước đó, cách làm này được đánh giá như sáng kiến tạo nên thương hiệu “quýt hồng Lai Vung” có màu sắc, hương, vị vượt trội, được nhiều nơi tham quan, học tập.

Quýt chết khô được hạ xuống làm củi. Ảnh: LT

Thậm chí có "tối kiến" còn được cơ quan chức năng “khen thưởng”. Điển hình như mô hình “gạo lúa chét Tràm Chim” của thanh niên ở xã Tân Công Sính (Tam Nông – Đồng Tháp). Ngay sau khi xuất hiện, địa phương, cơ quan chức năng huyện, tỉnh dành nhiều lời khen, thậm chí còn tặng thưởng.

Tuy nhiên, trước đó, lúa chét, hay còn gọi là lúa rày, tức cây lúa mọc lên từ gốc rạ sau khi thu hoạch thóc, được ngành nông nghiệp xác định là môi trường lý tưởng cho sâu bệnh lưu tồn, phát triển, là cầu nối cho mầm bệnh lưu trú và gây hại tới vụ mùa sau, nhất là chuột bọ và rầy nâu, tác nhân gây ra cơn bão bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá... Điều này nguy hiểm đến mức Bộ NNPTNT phải ra văn bản yêu cầu các địa phương nghiêm cấm dưới mọi hình thức.

Từ thực tế này, nhiều người lo ngại, nếu không can thiệp kịp thời, cách “trồng lúa bón sữa tươi, trứng gà” dễ có cơ hội trượt theo vết xe đổ cũ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn