MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người đàn ông khuyết tật được người dân bế lên xe buýt. Ảnh chụp từ clip.

Từ vụ việc người đàn ông khuyết tật bị xe buýt "bỏ qua" ở Nghệ An?

Bảo Hân LDO | 04/08/2022 11:33

Người đàn ông khuyết tật nặng ở Nghệ An “đội nắng” gần 2 tiếng đồng hồ nhưng không có xe buýt nào cho lên xe.  

Trong clip được người dân quay lại, người đàn ông tật nguyền (không có tay, chân) cho biết, mình đã đợi 3 chuyến xe buýt chạy qua nhưng không lên xe được. Đến chuyến thứ 4, xe buýt cũng đi qua, không chở. Chỉ đến khi có một người đàn ông đứng ra vẫy xe buýt rồi bế người khuyết tật này lên xe thì mọi chuyện mới kết thúc. 

Clip ngắn nhưng thu hút rất đông đảo sự quan tâm của cộng đồng mạng. Bên cạnh rất nhiều ý kiến bày tỏ sự thương cảm với người đàn ông không may mắn kia, thì cũng không ít người lên án hành vi của những người lái xe buýt đã không thực hiện đúng trách nhiệm của mình: Đó là phục vụ hành khách. 

Người khuyết tật cũng là một hành khách, vì vậy, họ cần phải được phục vụ giống như những hành khách khác. Không phục vụ nhu cầu đi lại của người khuyết tật chính một hành vi thể hiện sự phân biệt đối với người khuyết tật. 

Bên cạnh đó, có thể thấy, không chỉ xe buýt xuất hiện trong clip trên mà còn nhiều xe buýt khác và nhiều phương tiện giao thông công cộng khác vẫn chưa có những thiết kế, phương tiện thích hợp để phục vụ những người khuyết tật.

Ở nhiều nước, khi người khuyết tật có nhu cầu đi xe buýt, thang nâng xe được hạ xuống để đưa người khuyết tật lên cùng xe lăn; hoặc ở cửa lên xuống, lối đi sẽ được hạ xuống để người khuyết tật có thể lên xe. 

Ở Việt Nam, Điều 42 Luật Người khuyết tật quy định về phương tiện giao thông công cộng như sau: 

1. Phương tiện giao thông công cộng phải có chỗ ưu tiên cho người khuyết tật; có công cụ hỗ trợ lên, xuống thuận tiện hoặc sự trợ giúp phù hợp với đặc điểm của người khuyết tật.

2. Phương tiện giao thông công cộng để người khuyết tật tiếp cận sử dụng phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giao thông tiếp cận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

3. Đơn vị tham gia vận tải công cộng phải đầu tư và bố trí phương tiện bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận trên các tuyến vận tải theo tỷ lệ do Chính phủ quy định trong từng thời kỳ.

4. Phương tiện giao thông công cộng đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giao thông tiếp cận được miễn, giảm thuế theo quy định của pháp luật về thuế khi sản xuất, nhập khẩu. 

Khoản 2 của Điều 42 còn được hướng dẫn cụ thể bởi Điều 14 Nghị định 28/2012/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.6.2012.  

Như vậy, quy định về các công cụ hỗ trợ lên xuống thuận tiện hoặc sự trợ giúp phù hợp với người khuyết tật (nói rộng hơn là giao thông tiếp cận) khi tham gia giao thông công cộng đã được quy định cụ thể, vấn đề là việc triển khai, thực hiện như thế nào trong thực tế mà thôi. 

Nhưng điều quan trọng hơn là thái độ phân biệt đối xử với người khuyết tật. Những người lái xe buýt, phụ xe buýt đã không phục vụ nhu cầu đi lại của một hành khách khuyết tật – đó chính là biểu hiện rõ ràng của sự phân biệt đối xử.

Những người khuyết tật cũng là con người bình thường, có nhu cầu đi lại bình thường như bao nhiêu người khác, không thể vì một chút khó khăn khi phục vụ mà “bỏ quên” người khuyết tật. Thái độ phân biệt đối xử với người khuyết tật cũng là một trong những hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 14 Luật Người khuyết tật. 

Cần lên án mạnh mẽ thái độ kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người khuyết tật trong mọi lĩnh vực (trong trường hợp này là lĩnh vực giao thông công cộng) cũng như thúc đẩy sự thực thi trong thực tế những quy định của pháp luật nhằm đảm bảo quyền của người khuyết tật. 

Và có lẽ, người khuyết tật cũng không hẳn muốn mình luôn là đối tượng mà mọi người phải thương cảm. Họ muốn được đối xử bình thường, bình thường ở đây không phải là giống hệt như những người không bị khuyết tật, mà cần được hỗ trợ để bù đắp lại những khiếm khuyết của cơ thể, giúp họ có thể tự mình chủ động trong cuộc sống. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn