MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Dương Công Minh - Chủ tịch của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank. Ảnh: STB

Tung tin đồn chưa xác thực vụ Dương Công Minh, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Minh Hương LDO | 02/04/2024 14:29

Theo luật sư, hành vi đưa thông tin không chính xác, thông tin chưa được kiểm chứng lên không gian mạng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mới đây, trên trang Facebook cá nhân, tài khoản Thang Dang có đăng tin về việc ông Dương Công Minh - Chủ tịch của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank bị cấm xuất cảnh vì tham gia rửa tiền cho bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch HĐQT Công ty Vạn Thịnh Phát.

Tuy nhiên, ngày 2.4, Ngân hàng Sacombank khẳng định, những thông tin này là hoàn toàn bịa đặt, vu khống để bôi xấu lãnh đạo Sacombank và đề nghị các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong phiên giao dịch sáng 2.4, cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank của Chủ tịch Dương Công Minh bị đặt bán dữ dội, ở mức giá sàn.

Trao đổi với Báo Lao Động, luật sư Đặng Xuân Cường (Công ty Luật TNHH TAT, Đoàn LS TP. Hà Nội) cho biết, đưa thông tin không chính xác, thông tin chưa được kiểm chứng lên không gian mạng gây ảnh hưởng tới uy tín, danh dự, xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

Đây là một trong các hành vi phải ngăn ngừa được dự liệu tại Điều 16 Luật An ninh mạng 2018.

Thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống bao gồm: Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; Thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Về việc xử lý hành vi vi phạm Khoản 3 Điều 16 Luật An ninh mạng nêu trên thì sẽ tùy thuộc vào hậu quả do hành vi trái pháp luật gây ra trên thực tế.

Trong trường hợp nếu cơ quan có thẩm quyền sau khi xác minh, xem xét, đánh giá mức độ thiệt hại, nguy hiểm của hành vi nêu trên gây ra chưa tới mức nghiêm trọng thì hành vi này sẽ bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính theo Khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác trên mạng xã hội có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 - 20 triệu đồng và bị buộc gỡ bỏ các thông tin sai sự thật trên mạng xã hội.

Trường hợp nếu cơ quan chức năng đánh giá hành vi mà đối tượng thực hiện đã tới mức nghiêm trọng thì đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự hiện hành.

Mức hình phạt cao nhất nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này là 7 năm tù.

LS Đặng Xuân Cường cho rằng, công dân sử dụng mạng xã hội phải hết sức thận trọng trong việc đưa các thông tin lên không gian mạng, đặc biệt là những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội.

Người dùng mạng xã hội cần tìm hiểu để nắm được các quy định của pháp luật liên quan tới chế tài xử phạt với các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng mà đặc biệt là Điều 16 Luật An ninh mạng hiện hành.

Từ hiểu biết pháp luật đó, chắc chắn người sử dụng mạng xã hội sẽ tránh được việc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật do không nắm được quy định của pháp luật. Ngoài ra, trước khi đăng tải thông tin lên mạng xã hội, người dùng mạng xã hội cần nhận thức rõ về hậu quả do hành vi mà mình đăng tải có thể gây ra.

"Để an toàn tuyệt đối, người sử dụng mạng xã hội cần tuyệt đối không đăng tải các thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin có tính chất xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức lên không gian mạng" - LS Cường nêu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn