MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tuổi 30: Tiết kiệm được 15 triệu đồng, ở nhà trọ và không dám yêu đương

Minh Hương LDO | 05/09/2022 07:35
Với những người trẻ xa quê đi học rồi ở lại thành phố, ở tuổi 30 còn độc thân, họ chỉ tiết kiệm được số tiền khá ít ỏi. Khi cuộc sống mưu sinh còn nhiều khó khăn, người trẻ tuổi 30 thậm chí ngại yêu vì chưa lo được cho gia đình.

4 năm học đại học cộng thêm 8 năm làm việc tại Hà Nội, chị Bùi Thị Linh An (30 tuổi, quê Phú Thọ) cho biết - sau nhiều năm xa quê, hiện chị vẫn thuê trọ, số tiền tiết kiệm cũng chẳng được là bao.

Tốt nghiệp Đại học Thương mại, ra trường, chị An xin được công việc với mức lương hơn 6 triệu đồng/tháng. Với số tiền này, trừ chi phí thuê trọ, sinh hoạt, chị chỉ còn dư 1 triệu đồng. Nếu tháng nào có việc phát sinh như sinh nhật, đám cưới của bạn thì tiền lương coi như hết sạch.

Đến năm thứ 2, lương tăng thêm 1 triệu đồng mỗi tháng, chị An tiết kiệm được 1 triệu đồng/tháng khi đã biết cách chi tiêu tiết kiệm hơn. Lương tăng theo năm, đến thời điểm hiện tại, cô gái tuổi 30 nhận được 14 triệu tiền lương nếu làm thêm cả thứ 7.

Cách đây 3 năm, chị đã dành toàn bộ số tiền có được sau thời gian đi làm để mua chiếc xe tay ga gần 40 triệu đồng. Ngót 8 năm đi làm, chị An cho biết, hiện trong tài khoản của chị chỉ có vỏn vẹn 15 triệu đồng. Trung bình vài tháng, cô gái trẻ sẽ gửi tiền về cho bố mẹ; ít thì 500.000 đồng, nhiều 3 triệu đồng.

Sau thời gian xa quê học tập, chị An chia sẻ, lương có tăng song vật giá ngày một đắt đỏ hơn, nên dù muốn tiết kiệm được nhiều hơn cũng rất khó.

"Tôi vẫn ở nhà trọ, chưa có người yêu vì khá tự ti về tài chính. Sống ở thủ đô, dù lương hơn 10 triệu đồng mỗi tháng cũng rất khó để tiết kiệm vì có ít tiêu ít, có nhiều tiêu nhiều" - chị An cho hay.

Năm nay 30 tuổi, anh Hoàng Đức (quê Gia Lai) có 12 năm học tập và làm việc tại TP.HCM. Anh Đức cho biết, anh là giáo viên dạy đàn piano, mức lương hàng tháng nhận được khoảng 15 triệu đồng.

Năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh, công việc của anh bị ảnh hưởng ít nhiều. Không thể đi dạy, anh Đức đã phải dùng toàn bộ số tiền tiết kiệm được để trang trải.

Anh Đức liệt kê các khoản chi tiêu trong 1 tháng: tiền ăn 6 triệu đồng; cà phê, thuốc lá 600.000 đồng; xăng xe 400.000 đồng; tiền trọ 2,5 triệu đồng. Tổng các khoản này cũng lên tới gần 10 triệu đồng/tháng.

"Con trai thường có những buổi tụ tập, ngoài ra bạn bè tôi độ tuổi này cũng cưới xin nhiều nên mỗi tháng, tôi chỉ để dư được 1-2 triệu đồng" - anh Đức nói và cho biết thêm, chính vì chưa có tiền dành dụm, thu nhập cũng không quá cao nên anh chưa dám yêu ai.

"Tôi chưa lo được cho gia đình, nếu có người yêu rồi tiến tới hôn nhân, cuộc sống thuê trọ càng khó khăn hơn" - anh Đức cho hay.

30 tuổi, bạn đã tiết kiệm được bao nhiêu tiền? Bạn đọc có thể bày tỏ quan điểm về vấn đề này bằng cách gửi email về Báo Lao Động: toasoan@laodong.com.vn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn