MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tuổi già tất bật kiếm sống bằng nhặt ve chai, trông trẻ và bán chó

Mạnh Cường LDO | 06/05/2023 12:59

Không có lương hưu, trợ cấp, nhiều người lớn tuổi vẫn phải tự bươn chải đủ nghề kiếm sống. Việc ăn uống, sinh hoạt hàng ngày cũng phải thật tiết kiệm chứ đừng nói đến chuyện mua các món ngon, sữa đắt tiền hay đi du lịch.

Mỗi ngày từ 7h sáng đến 10h trưa, ông Phạm Văn Quang (65 tuổi, Nam Định) đều cùng vợ ra vườn nhặt cỏ, bắt sâu, bón phân cho rau xanh tốt.

Thời gian buổi chiều và tối, hai vợ chồng ông Quang tranh thủ cắm hoa giấy, bán quán tạp hóa nhỏ với vài mặt hàng cơ bản. Vất vả là thế nhưng khi được hỏi về thu nhập, ông bà nghẹn ngào: "Chưa nổi 2 triệu đồng/tháng".

"Tôi trồng rau không phải để bán mà muốn có rau sạch cho các con các cháu ăn hàng ngày. Còn công việc cắm hoa giấy cả buổi chiều mới được 2kg (40.000 đồng). Mỗi ngày vài người khách đến mua gói bánh, cây kem hay nắm hương cùng lắm được hai chục ngàn chứ chẳng có nhiều" - ông Quang nói.

Quán nhỏ với vài mặt hàng cơ bản giúp hai vợ chồng ông Quang có thêm thu nhập tuổi già. Ảnh: Mạnh Cường.

Thu nhập thấp nên hai vợ chồng ông Quang khá kiêng khem trong chuyện ăn uống, chăm sóc sức khỏe. Trên mâm cơm của 2 vợ chồng chỉ có một đĩa rau xào, bát canh và trứng nấu cà chua.

Thi thoảng đổi bữa sang ăn cá, canh cua hoặc vài miếng thịt. Góc nhà hay trong tủ lạnh trống trải với một thùng sữa tươi, không thấy lon sữa bột nào.

Hàng tháng con cái có biếu thêm vài trăm để ông bà cải thiện cuộc sống. Có món gì ngon, người con cả lại mang sang cho mẹ nên cũng đỡ đần được phần nào. Hai ông bà cũng rất thông cảm vì con cái đều là công nhân còn phải lo cho các cháu chứ không có dư giả để phụng dưỡng.

Dù đã bước qua tuổi 80 nhưng bà Phạm Thị Dung (Nam Định) hàng ngày vẫn phải trông trẻ để kiếm thêm thu nhập. Trao đổi bà Dung, được biết hiện tại bà không có lương hưu hay trợ cấp, nhận trông trẻ vì không muốn phiền hà con cái.

"Tôi chỉ nhận trông tối đa 6 trẻ chứ không đủ sức để trông nhiều, mỗi tháng chỉ thu 400.000 đồng/trẻ chưa bao gồm ăn. Làm việc này để đỡ buồn chán, có đồng ra đồng vào, cũng không muốn nhờ cậy con cái nhiều" - bà Dung tâm sự.

Bà Hoàng Thị Hồng (73 tuổi, Nam Định) vẫn ngày ngày cùng chồng rong rẻo khắp làng trên xóm dưới thu mua ve chai. Bên cạnh đó, hai vợ chồng bà cũng cố gắng nuôi thêm gà và chó để cải thiện thu nhập từ việc bán trứng, chó con.

"Ngày nào tôi cũng đi mua ve chai trừ những hôm trời mưa hay phải lên viện khám lấy thuốc hoặc nhà có giỗ mới nghỉ. Mỗi ngày 8 tiếng cả sáng cả chiều mới được gần 100.000 đồng, hôm nào ít thì chỉ được vài chục" - bà Hồng nói.

Hàng ngày, bà Hồng vẫn mưu sinh bằng nghề thu mua ve chai bên chiếc xe đạp cùng chiếc cân. Ảnh: Mạnh Cường.

Nguồn thu nhập từ nuôi gà và chó cũng không được bao nhiêu. Theo bà Hồng, mỗi năm chó nhà bà chỉ đẻ một lứa 6 đến 8 con bán được gần 3 triệu đồng thì tiền thức ăn đã hơn một nửa. Gà mỗi ngày thu hoạch được 6 quả trứng bán được 24.000 đồng nhưng tiền cám và gạo đã hơn 10.000 đồng.

Như vậy, hai ông bà tất bật kiếm sống cũng chỉ có thu nhập vỏn vẹn 3 triệu đồng mỗi tháng. Do đó việc ăn tiêu, sinh hoạt hàng ngày khá tiết kiệm. Mỗi ngày ông bà chỉ dám tiêu khoảng 40.000 đồng tiền thức ăn. Số tiền còn lại để dành đóng tiền điện, gas và thi thoảng lên tỉnh khám, mua thuốc.

Thực tế, cả hai vợ chồng bà Hồng đều tham gia kháng chiến chồng Mỹ cứu nước. Tuy nhiên, thời gian tham gia ngắn nên chưa đủ điều kiện để nhận trợ cấp từ Nhà nước. Bà Hồng cũng mong nhà nước quan tâm nhiều hơn đến người lớn tuổi đặc biệt là người có công với cách mạng để họ an tâm vui sống.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn