MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tưởng niệm nạn nhân mất vì COVID-19: Nhớ để mạnh mẽ sống tiếp

KHÁNH LINH LDO | 17/11/2021 17:11

Tối ngày 19.11, lễ tưởng niệm nạn nhân mất vì COVID-19 sẽ diễn ra tại TPHCM nhằm tưởng niệm những người đã mất, đồng thời chia sẻ, động viên trước những mất mát, đau thương của gia đình, người thân và lan tỏa tình nhân ái cộng đồng.

Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát lần thứ 4 ở TPHCM, đã có rất nhiều người phải trải qua những giây phút đau xót khi mất đi những người thân yêu nhất, có những đứa trẻ còn chưa lớn đã rơi vào hoàn cảnh mồ côi cha, mồ côi mẹ... Trải qua hơn 1 tháng kể từ khi TPHCM mở cửa trở lại và cuộc sống "bình thường mới" diễn ra thì ngày 19.11 tới đây, Lễ Tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19 sẽ được tổ chức vào tối 19.11.

Lễ tưởng niệm nhằm thể hiện nỗi buồn sâu sắc, sự sẻ chia trước những mất mát, đau thương của nhiều gia đình đã mất đi người thân, đồng thời tiếp tục khích lệ tinh thần đối với các lực lượng đã và đang tiếp tục tham gia "cuộc chiến" phòng, chống dịch COVID-19.

Mất đi "trụ cột"

Anh L.H.Đ (sinh năm 1984) lúc còn sống làm nghề lái xe, một tay anh là trụ cột kinh tế nuôi vợ và con. Gia đình khó khăn, nên cả gia đình anh L.H.Đ và em gái là chị Lê Thị Kim Sa cùng thuê căn nhà nhỏ ở trong con hẻm trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Quận Bình Thạnh, TPHCM để sinh sống.

Anh L.H.Đ có 3 người con, 2 con lớn của vợ trước (đã mất) là bé Lê Hoàng Giang (2003) và bé Lê Hoàng Hoá (2007), và bé út Lê Hoàng Minh (2011) là con của vợ sau (chị Nguyên). 

Kể từ khi vợ cả mất, 2 anh em Hoàng Giang, Hoàng Hoá đều do một tay chị Sa và chị Nguyên chăm sóc. Làm nghề tài xế, chạy xe đi nhiều nên kể từ dịch bệnh bùng phát anh Đ không dám về nhà, anh ăn ngủ trên xe vì về sợ lây bệnh cho gia đình. “Mấy tháng trước khi mất, anh cũng không về nhà gặp mẹ, gặp mấy đứa nhỏ”- chị Sa kể lại.

Chị Nguyễn Thị Ánh Nguyên nấu cơm thắp hương cho chồng. Ảnh: Anh Tú.

Chị Nguyễn Thị Ánh Nguyên - vợ anh L.H.Đ và chị Lê Thị Kim Sa đều rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp từ khi dịch bệnh kéo đến, mọi chi phí trang trải đều phải dùng đến số tiền tiết kiệm ít ỏi và tiền hỗ trợ của Thành phố.

Kể từ khi vợ cả anh mất, 2 anh em Hoàng Giang, Hoàng Hoá đều do một tay chị Sa và chị Nguyễn Thị Ánh Nguyên - người vợ sau của anh L.H.Đ chăm sóc, dạy dỗ. Song cả chị Sa và chị Nguyễn Thị Ánh Nguyên - vợ anh L.H.Đ đều rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp vì dịch bệnh.

Chị Nguyên tâm sự trước mắt cuộc sống có rất nhiều áp lực khi giờ đây phải gồng gánh nuôi nấng 3 đứa con, nhưng khi nhớ về chồng - trụ cột gia đình đã mất, chị tự nhủ mình phải nỗ lực hơn vì tương lai của các con. 

Kể từ đầu tháng 11, cả chị Sa và chị Nguyên đều đã cố gắng tìm được công việc sớm nhất để quay trở lại đi làm, kiếm tiền trang trải vừa lo cho con vừa lo cho cháu. Chị Sa tìm được một công việc tại nhà hàng, đi làm cả ngày, chị Nguyên tạm thời làm giúp việc theo giờ, tranh thủ thời gian về nhà trông con.

“Giờ đây phải nuôi 3 đứa con ăn học, mà lương tôi đi làm giúp việc theo giờ cũng chẳng được bao nhiêu và còn phải trả tiền thuê nhà nữa, không thể đủ được. Anh nhà tôi lúc còn sống chỉ mong con cái được học hành đầy đủ. Tôi vừa mới nghe nói cuối tuần có ngày lễ tưởng niệm, tối đó tôi sẽ sắp xếp không đi làm để đưa các con đi ra kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè thả đèn hoa đăng”- Chị Nguyên nói.

Những đứa trẻ từ đau thương mà trưởng thành

Ở cái tuổi đáng lẽ còn được bay bổng, tự do với những mơ ước, hồn nhiên sánh bước với bạn bè trên giảng đường thì có rất nhiều em đã buộc phải trở thành những người trụ cột bất đắc dĩ trong gia đình khi COVID-19 kéo tới.

Câu chuyện ấy đã xảy đến với gia đình em Trần Khoa Đăng Trường (10 tuổi) và Trần Thị Ngọc Tuyền (18 tuổi). Cả ba và mẹ lần lượt mất vì COVID-19, trách nhiệm đặt hết trên vai khi người chị lớn trong gia đình.

Tuyền kể năm nay tuy mới 18 tuổi nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, Tuyền đã nghỉ học để đi làm vài năm, nhường cơ hội học tập cho em trai và mong muốn sớm có thu nhập để đỡ gánh nặng cho ba mẹ. Lúc còn sống, ba em làm nghề sửa xe, mẹ làm nhà giáo nhưng đã nghỉ hưu, cuộc sống tằn tiện cũng chỉ tạm vừa đủ.

Kể từ những ngày tháng 8 khi căn nhà chỉ còn 2 chị em, Tuyền vừa là chị nhưng cũng vừa là ba, là mẹ với nỗi lo canh cánh trong lòng về cậu em trai mới chỉ đang học lớp 5. "Em đã định sẵn tương lai cho em từ trước rồi nhưng sợ tương lai của thằng nhỏ liệu có học hết lớp 12 được không"- Tuyền tâm sự.

2 chị em Trần Thị Ngọc Tuyền (18 tuổi) và Trần Khoa Đăng Trường (10 tuổi) nương tựa vào nhau sống trong căn nhà đã vắng bóng cha mẹ. Ảnh: Anh Tú.

Tuyền tâm sự, từ ngày bố mẹ mất đi, cuộc sống của em như thay đổi hoàn toàn. Trước đây, Tuyền vốn chỉ thích được ở một mình, hiếm khi gần gũi và nói lời yêu thương quan tâm đến bố mẹ. Nhưng giờ đây khi bố mẹ không còn nữa, đến cả tiếng la mắng cũng trở thành nỗi nhớ và động lực để sống và vươn lên của em cũng mạnh mẽ hơn.

Tuyền chỉ là một cô bé 18 tuổi, nhưng biến cố tới khiến em trưởng thành hơn, biết suy nghĩ hơn và biết nghĩ cho tương lai nhiều hơn. Cô gái chỉ mới 18 tuổi giờ đây trở thành trụ cột gia đình, đi học nghề tóc với quyết tâm sớm nhất có thể kiếm tiền, mong ước lớn nhất của Tuyền là em trai Đăng Trường sẽ có thể học đại học.

Đó chỉ là 2 trong số những gia đình mất đi người thân vì COVID-19 và họ vẫn đang nỗ lực hết sức trong khả năng của mình để ổn định cuộc sống tương lai phía trước. TPHCM là địa phương chịu mất mát nhiều nhất cả nước về người cùng nhiều tổn thất về kinh tế, xã hội và lễ tưởng niệm có thể nhằm giảm bớt đi được sự mất mát đau thương của các gia đình có người thân qua đời do dịch bệnh, nhưng cũng không thể nào xóa đi hết nỗi niềm tiếc thương quyến luyến của các gia đình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn