MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhân viên y tế phòng chống dịch COVID-19 tại Bắc Ninh (5.2021) kiệt sức. Ảnh: CTV.

Tuyến đầu chống dịch chịu chấn thương tâm lý: Cần sự chia sẻ nhiều hơn

Thế Lâm LDO | 17/11/2021 17:54
Vấn đề sang chấn tinh thần đã và đang xảy ra trong lực lượng tuyến đầu, đặc biệt từ đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ tư trong cộng đồng tại TPHCM, với diễn biến phức tạp nhất khi có nhiều ca bệnh nhất, cũng như nhiều trường hợp tử vong nhất.

Cho tới thời điểm này, chưa có thống kê đầy đủ về số cán bộ, nhân viên y tế, tình nguyện viên thuộc tuyến đầu chống dịch bị tình trạng rối loạn căng thẳng sau sang chấn tinh thần (Post-traumatic stress disorder – PTSD), bị kiệt sức nghề nghiệp

Tuy nhiên, theo đánh giá của một số chuyên gia y tế, tâm lý hàng đầu, tỉ lệ các nhân viên y tế, lực lượng tuyến đầu chống dịch bị các hội chứng hay những vấn đề về sức khỏe tinh thần trong quá trình công tác là không tránh khỏi.

Theo giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Thanh Hiệp - Hiệu trưởng ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, tâm lý, sức khỏe tinh thần của các y bác sĩ, nhân viên y tế và tình nguyện viên phòng chống dịch là vấn đề cần phải quan tâm, chăm sóc. Bởi trên thực tế, có nhiều trường hợp nhân viên y tế đã bị kiệt sức nghề nghiệp qua các đợt dịch COVID-19 bùng phát, đặc biệt trong đợt dịch lần thứ tư đã và đang diễn ra.

Kiệt sức nghề nghiệp là tình trạng khá phổ biến đối với nhân viên y tế phải trải qua và chịu đựng trong quá trình phòng chống dịch tại các bệnh viện COVID-19, tại các khu cách ly.

Tuy nhiên, giáo sư-tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn – Hiệu trưởng ĐH Sư phạm TPHCM, một chuyên gia tâm lý hàng đầu – còn chỉ ra rằng, vào khoảng tháng 9.2021, trong khuôn khổ dự án nghiên cứu của nhà trường, những trường hợp tình nguyện viên, chiến sĩ tuyến đầu mất người thân nhưng vẫn phải làm việc lâu trong môi trường được kiểm soát nghiêm ngặt vì dịch bệnh, đã thể hiện rõ những dấu hiệu về sang chấn tâm lý.

Trên thực tế, lực lượng tuyến đầu chống dịch thời gian qua đã có rất nhiều câu chuyện đáng quan tâm từ chế độ chính sách, cũng như cần được chia sẻ nhiều hơn từ cộng đồng, và sự tôn vinh của xã hội.

Đó là trường hợp vì dịch bệnh phải đi chi viện tuyến đầu nên đành gác lại việc riêng như hoãn cưới, hoặc cưới nhau từ nơi công tác là khu cách ly. Đó là trường hợp chiến sĩ tuyến đầu trong bệnh viện COVID-19, khi nghe tin bố mất nhưng cũng chỉ có thể… khóc từ xa…

Họ cũng là những con người bình thường như bao người bình thường khác, nhưng trong một quãng thời gian phải chịu đựng cường độ công việc cao trong một môi trường khắc nghiệt, nguy hiểm suốt nhiều ngày, phải hi sinh dường như tất cả các việc riêng tư cho công việc chống dịch.

Song vượt qua được những ngày tháng đó, dư âm về sau cũng không chỉ có những kỷ niệm hay câu chuyện ngọt ngào. Thậm chí ngược lại, họ có thể phải chịu đựng các dấu hiệu, hội chứng về tâm lý, tinh thần không được bình thường, thậm chí thành căn bệnh tâm thần âm ỉ lâu dài.  

Giáo sư Huỳnh Văn Sơn cho biết tại một cuộc hội thảo rằng, tình trạng lực lượng tuyến đầu chống dịch COVID-19 bị những rối loạn căng thẳng sau sang chấn tinh thần cũng phổ biến ở nhiều quốc gia.

Ký ức về môi trường bệnh viện COVID-19, những ca bệnh trong giờ phút thập tử nhất sinh, những cảnh ngổn ngang thi thể trên giường bệnh tại các thời điểm của đỉnh dịch…, đối với các nhân viên y tế đã trải qua, khó mà tránh khỏi những trạng thái cảm xúc căng thẳng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn