MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chợ hoa Tết truyền thống của thị xã Sơn Tây. Ảnh: Văn Hưởng

UBND thị xã Sơn Tây dời chợ Tết bất ngờ, tiểu thương đối diện với thua lỗ

Minh Ánh LDO | 21/01/2024 12:45

Vay nợ, đổ hết vốn liếng vào gian hàng buôn bán dịp cận Tết, nhưng tiểu thương tại chợ hoa Tết trung tâm thị xã như "chết lặng" khi nghe tin UBND thị xã Sơn Tây (Hà Nội) chuyển địa điểm buôn bán sang vị trí mới, xa trung tâm.

Tiểu thương phải vay nợ với lãi suất cắt cổ để buôn bán dịp Tết

Buổi chiều tháng củ mật, chị Khuất Thị Nhung (42 tuổi, Sơn Tây) chết lặng khi nghe tin UBND thị xã Sơn Tây (Hà Nội) chuyển địa điểm chợ Tết gần Thành cổ - nơi duy trì hàng thập kỷ qua - sang một địa điểm mới cách xa trung tâm.

Buôn bán mặt hàng trang trí cho Tết Nguyên đán, hàng năm gia đình chị Nhung luôn chuẩn bị nhập hàng khoảng 3 tháng trước Tết. Năm nay thu nhập khó khăn, chị Nhung đặt cược hết gia sản, nhập 80 triệu đồng tiền hàng để hi vọng có đủ tiền sắm Tết, trả nợ nần.

Gia hàng bán đồ trang trí dịp Tết tại khu vực Thành cổ mọi năm trước. Ảnh: Đức Minh.

Theo chị Nhung, địa điểm chợ Tết gần Thành cổ Sơn Tây là nơi bố mẹ chị đã buôn bán từ những năm 1980, đến nay đã hơn 40 năm, gia đình chị nối tiếp truyền thống đó.

Mỗi dịp Tết đến, các tiểu thương sẽ tụ họp ở khu vực bờ hào quanh Thành cổ. Bản thân chị buôn bán tại đây cũng đã gần 20 năm.

Chị Nhung kể: "Việc buôn bán ở bờ hào quanh Thành đã quá quen thuộc với bà con đi chợ nói riêng và với những hộ kinh doanh nói chung. Có bán hàng ở chợ hoa tết, tôi mới có thể nuôi gia đình, nuôi con cái ăn học.

Để có vốn nhập hàng, tôi phải đi vay ngân hàng, thậm chí vay ngoài với lãi suất cắt cổ. Đến căn nhà 5 người gia đình tôi đang ở cũng đang phải đi thuê 15 năm nay.

Cả 1 năm 365 ngày chỉ trông chờ vào 15 ngày gần Tết để buôn bán làm ăn, vậy mà nhận được tin này, tôi đứng không vững. Nhiều người bị sốc vì không nghĩ lại có sự thay đổi đột ngột như vậy".

Ngày 19.1, UBND thị xã Sơn Tây ra thông báo di chuyển địa điểm tổ chức chợ hoa trung tâm thị xã từ khu vực xung quanh Thành cổ, Quảng trường Sân vận động thị xã đến khu vực Đường trục phát triển thị xã Sơn Tây, thuộc địa bàn phường Viên Sơn.

Việc di chuyển sẽ bắt đầu từ ngày 22.1 (tức ngày 12.12 ÂL) và hoạt động duy trì đến ngày 9.2 (tức ngày 30.12 ÂL), chợ phải giải tán, các hộ không được tiếp tục kinh doanh.

Nguyên do chuyển địa điểm là để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường khu vực nội thị, giữ gìn hệ thống hạ tầng vỉa hè xung quanh Thành cổ.

Bị động, bất ngờ với thông báo của chính quyền địa phương

Việc thông báo sát nút, kèm lý do trên khiến các tiểu thương kinh doanh lâu năm tại chợ hoa tết không khỏi bức xúc. Trao đổi với Lao Động, một số tiểu thương cho rằng việc buôn bán hàng hoá phục vụ dịp Tết Nguyên đán tại chợ khu vực quay Thành cổ đã trở thành truyền thống lâu đời của người dân Sơn Tây.

Địa điểm chợ mới theo thông báo của UBND thị xã Sơn Tây đang gây tranh cãi. Ảnh: Thanh Vân.

Chị Phạm Thị Thuý - một tiểu thương khác tại chợ - nói: "Địa điểm bán hàng tại chợ có lượng khách hàng tập trung đông đúc, chợ hoạt động lâu năm, địa điểm dễ tìm kiếm cho khách thập phương, cơ sở hoạt động tại chợ đầy đủ (điện, nước, vệ sinh công cộng, hàng quán ăn uống).

Trong khi địa điểm mới UBND Thị xã bố trí thuộc dự án mới có đường đi 2 đầu đều là ngã 4, đường 1 chiều rất nhiều xe trọng tải lớn chạy qua. Chưa tính đến ngày Tết người dân đi về quê chạy qua đường quốc lộ 32 sẽ rất đông. Chợ mới vẫn còn hoang sơ, đồng không mông quạnh, ít người biết tới".

Chị Thuý cho biết, do không được thông báo sớm, nên chị đã đặt cọc số tiền lớn để nhập hơn 100 gốc đào cây và gần 1.000 cành đào thắp hương.

"Nếu tôi biết chợ Tết chuyển sang vị trí mới đồng không mông quạnh như vậy, tôi đã có sự chuẩn bị tốt hơn, nhập hàng ít hơn để bán vừa đủ. Nếu ở chợ cũ, số hàng nhập trên tôi có thể đi đều, nhưng sang chỗ mới chắc chắn buôn bán sẽ ế ẩm hơn" - chị Thuý nói, đồng thời ước tính mình có thể lỗ đến hàng chục triệu cho đợt Tết này.

Không chỉ các tiểu thương bất ngờ, nhiều người dân thị xã Sơn Tây tỏ ra thất vọng khi năm nay không khí chợ Tết có thể buồn hơn so với mọi năm.

Chị Vân Anh (Sơn Tây) cho biết: "Năm nay, kinh tế buồn mà chợ Tết đìu hiu thì quá chán. Mọi năm có chợ hoa gần nhà, thấy chợ hoa là thấy không khí Tết. Thiết nghĩ chính quyền địa phương nên tổ chức, quản lý sao cho vấn đề vệ sinh, an toàn giao thông tốt hơn, từ đó vừa có thể giữ chợ Tết quanh Thành cổ có an ninh trật tự mà vừa tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế" .

Đồng quan điểm, chị Vũ Minh Tuyết (người dân ở Sơn Tây) nói: "Tết năm nay chắc chắn là mất không khí Tết. Hi vọng UBND thị xã sẽ có xem xét và tổ chức lại chợ cho hợp lý ".

Theo người dân, khu vực chợ hoa gần Thành cổ đã trở thành địa điểm văn hoá mỗi dịp Tết của người dân khu vực nói riêng và du khách gần xa.

Đối với các tiểu thương, ngày Tết đang đến gần, khi hi vọng hoá thành thất vọng, nhiều bà con buôn bán chỉ biết mong chờ UBND thị xã sẽ lắng nghe và thấy hiểu khó khăn kinh tế của các hộ kinh doanh.

Chị Khuất Thị Nhung nói: "Tôi hi vọng chính quyền địa phương cân nhắc lại để bà con có được 1 cái Tết trọn vẹn".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn