MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ứng viên chỉ muốn bỏ đi khi rơi vào cuộc phỏng vấn xin việc bi hài

LƯƠNG HẠNH LDO | 03/04/2023 14:21

Không phải ai cũng may mắn có một buổi xin việc tốt đẹp. Một số người lao động rơi vào tình cảnh tréo ngoe đến độ dở khóc, dở cười. 

Không một lời hồi đáp

Phỏng vấn là quá trình không thể thiếu khi xin vào làm việc tại một công ty, doanh nghiệp. Vòng này được đa số các nhà tuyển dụng đánh giá quan trọng hơn cả các thông tin trong hồ sơ xin việc.

Tại giai đoạn này, nhà tuyển dụng của các công ty sẽ xem xét ứng viên có thật sự phù hợp với công ty hay không. Các năng lực khác ngoài chuyên môn như: Cách ứng xử, phong thái nói chuyện, kỹ năng mềm… sẽ được thể hiện trước mắt nhà tuyển dụng.

Ứng viên cũng khó có thể nói dối trước mặt họ. Chỉ cần vài câu hỏi khơi gợi, ứng viên gian dối thường bị lộ tẩy và để lại ấn tượng xấu với công ty, doanh nghiệp đó.

Tuy nhiên, không phải bộ phận tuyển dụng của công ty, doanh nghiệp nào cũng chuyên nghiệp. Điều này khiến cho các ứng viên chưa có năng lực khó có cơ hội, còn với ứng viên đã nhiều kinh nghiệm lại không muốn gắn bó.

Đinh Quỳnh Anh (SN 1997, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) có kinh nghiệp làm việc tại 2 công ty về truyền thông. Không chỉ vậy, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Quỳnh Anh cũng tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng để phục vụ cho công việc sau khi tốt nghiệp đại học. Giai đoạn đầu khi mới bắt đầu làm hồ sơ, đi phỏng vấn xin việc tại công ty, nữ nhân viên còn nhiều bỡ ngỡ.

 Chị Quỳnh Anh đã có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực chỉnh sửa video. Ảnh: Nhân vật cung cấp. 

Sau khi đã trải qua vị trí Editor (chỉnh sửa video) của một công ty truyền thông trong 2 năm, chị đã có kinh nghiệm phỏng vấn, xin việc nhiều hơn. Nghỉ việc tại công ty này, chị tiếp tục đi xin việc để chuyển sang các công ty khác, hy vọng có một công việc mức lương cao hơn, nhận được nhiều bài học hơn và lộ trình thăng tiến rõ ràng.

Nữ nhân viên chia sẻ: “Tôi nghỉ việc vào tháng 2.2022 và đi tìm việc khoảng hơn 2 tuần. Nộp hồ sơ vào một công ty, sau khi đã qua vòng loại, tôi nhận được lịch đi phỏng vấn. Có 3 người ở bộ phận tuyển dụng phỏng vấn tôi. Vấn đề ở chỗ là họ mạnh ai người nấy hỏi, không ai thèm quan tâm câu đó hỏi mấy lần rồi”.

Không chỉ vậy, nữ nhân viên tỏ ra rất khó hiểu với những câu hỏi ngược lại của bộ phận này như: “Nếu điều em mong muốn mà công ty không đáp ứng được thì sao?”. Sau khi kết thúc buổi phỏng vấn, kết quả đạt hay không đạt, chị cũng không nhận được bất cứ hồi âm nào từ phía công ty.

Cần thẳng thắn từ bước đầu

Còn chị Kim Xuyến (SN 1998, Bắc Kạn) cho biết khi mới ra trường, chị chưa có nhiều kinh nghiệm làm full-time ở nhiều chỗ. Chủ yếu trước đó chị chỉ làm cộng tác viên sáng tạo nội dung cho nhiều công ty. Sau khi ra trường, muốn tìm một công việc ổn định, chị đã "rải" hồ sơ xin việc vào nhiều công ty.

Cũng theo quy trình, chị đã nộp hồ sơ xin việc cho trưởng bộ phận tuyển dụng công ty này. “Tôi đã hỏi đi hỏi lại người này với kinh nghiệm của em như thế có phù hợp với công ty hay không? Người này nhấn mạnh là được và hẹn lịch phỏng vấn. Lúc đó tôi cũng có chút hy vọng là bản thân phù hợp với vị trí đó. Nhưng kết quả thực sự thì đúng là dở khóc, dở cười” – Kim Xuyến tâm sự.

Chị Xuyến từng rơi vào nhiều cảnh đi xin việc bi hài. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nữ nhân viên nhớ lại, ngày chị đi phỏng vấn, thời tiết Hà Nội nắng nóng gần 40 độ C, ra đường cảm giác bị bỏng rát toàn thân, chị vẫn cố gắng vượt một quãng đường khá dài và đến đúng giờ phỏng vấn với quần áo chỉn chu, tóc tai gọn gàng.

Tuy nhiên, đến nơi thì trưởng bộ phận chỉ hỏi 1-2 câu và bỏ đi họp. Sau đó, nhân viên tuyển dụng phỏng vấn chị vài câu và cho rằng kinh nghiệm của chị còn “non”, không phù hợp với vị trí này.

“Tôi cảm thấy rất mất thời gian và khó chịu, ấm ức chỉ muốn bỏ đi, bởi ngay từ đầu tôi đã trao đổi rõ ràng, thẳng thắn về những kinh nghiệm tôi có. Nếu họ chia sẻ luôn là tôi chưa đủ kinh nghiệm và chưa phù hợp thì tôi đã không mất thời gian, công sức cho buổi phỏng vấn đó” – chị Xuyến chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn