MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều người dân quay đầu dưới hầm chui khi thấy cảnh ùn tắc. Ảnh: Hữu Chánh

Ứng xử thiếu văn hóa giao thông khiến Hà Nội ngày càng ùn tắc

HỮU CHÁNH LDO | 13/02/2023 12:08

Từ những hành vi ứng xử thiếu văn hóa trong tham gia giao thông đang khiến Hà Nội ngày càng ùn tắc, nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông. Do vậy, chỉ khi người dân có trách nhiệm xây dựng văn hoá giao thông thì lúc đó Thủ đô mới phần nào đỡ tắc đường.

Mạnh ai nấy đi

Ra đường Hà Nội vào thời điểm nào cũng không khó để bắt gặp hình ảnh xe cộ chen chúc nhau, di chuyển không hàng lối trên nhiều tuyến đường ở Thủ đô. Chỉ cần có khoảng trống là các lái xe sẽ sẵn sàng chen vào.

Đặc biệt, cứ mỗi khi trời mưa, đường Hà Nội lại ùn tắc nghiêm trọng hơn và tưởng như không còn lối thoát. Việc đi làm vào đúng giờ cao điểm trở thành cơn ác mộng đối với nhiều người dân.

Người dân đi ngược chiều để rút ngắn thời gian sau khi phân luồng nút giao Ngã Tư Sở ngày 9.1. Ảnh: Hữu Chánh

Người dân chỉ di chuyển với quãng đường khoảng 3-4km nhưng mất gần cả tiếng đồng hồ do trời mưa và tắc đường.

Tranh thủ sự vắng bóng của cảnh sát giao thông, nhiều người vượt đèn đỏ, đi tắt bằng cách chạy ngược chiều; chen lấn, giành hết phần đường của nhau... Điều này khiến cho bức tranh giao thông trở nên lộn xộn.

Người dân vẫn cố tình đi ngược chiều dù có lực lượng chức năng. Ảnh: Hữu Chánh

Có thể thấy rằng, những hành vi này khiến cho lộ trình của tất cả các phương tiện đều chậm lại. Đáng lo ngại hơn, điều này có thể gây ra hậu quả khó lường cho chính bản thân họ và cho những người tham gia giao thông khác. 

Những năm qua, Hà Nội đã nhiều lần thí điểm phân luồng, tuyến giao thông nhằm kéo giảm ùn tắc trên một số trục đường đông đúc.

Xe máy băng qua lối xuống cao tốc Vành đai 3 dù có biển cấm rẽ phải và quay đầu xe. Ảnh: Hữu Chánh

Tuy nhiên đến nay, những "điểm đen" về giao thông vẫn lộn xộn như trước. Dòng xe máy đi ngược chiều, luồn lách, bất chấp luật lệ để rút ngắn thời gian và quãng đường, ngay cả khi có mặt lực lượng CSGT làm nhiệm vụ.

Không chỉ người đi xe máy, ngay cả những người đi ôtô cũng đi rất lộn xộn. Thậm chí, nhiều lái xe của các cơ quan nhà nước với những chiếc xe biển xanh, cũng có ý thức rất kém. 

Đặt ý thức tự giác lên hàng đầu

Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, xây dựng văn hóa giao thông là góp phần hạn chế nạn ùn tắc, giảm số vụ tai nạn giao thông, nhất là trong điều kiện hạ tầng giao thông ở nước ta chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Nghiêm chỉ ra yếu tố mấu chốt dẫn đến tình trạng giao thông “chưa văn hóa” là do hạ tầng giao thông Việt Nam chưa hoàn thiện.

Khu vực Ngã Tư Sở luôn là điểm nóng về ùn tắc. Ảnh: Hữu Chánh

Theo ông Nghiêm, hiện nay, phương tiện giao thông công cộng như đường sắt đô thị, xe buýt,... chưa đạt tới mức cần, nên tình trạng chen lấn, ùn tắc và hành vi, lối ứng xử không văn minh của người tham gia giao thông tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi.

Bên cạnh đó, công tác giáo dục, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, vai trò và trách nhiệm của các nhà quản lý chưa phát huy được hiệu quả cần thiết nên ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông chưa trở thành nếp.

Nhiều phương tiện quay đầu khi hầm chui Lê Văn Lương ùn tắc. Ảnh: Hữu Chánh

Theo ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, tính kỷ luật kém đã ăn sâu vào nếp sống của nhiều người nên việc chấp hành quy định của pháp luật không nghiêm chỉnh, biểu hiện qua việc đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, đi lên vỉa hè, đi vào đường cấm...

Ông Liên cho rằng, trong các hành vi ứng xử, trước hết phải đặt ý thức tự giác lên hàng đầu. Đây không phải là việc dễ, một sớm một chiều làm được ngay, mà cần phải rèn giũa một cách kiên trì. 

Trước hết phải tuyên truyền để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông để người dân tự giác chấp hành, nâng cao văn hóa nhường nhịn, xếp hàng khi tham gia giao thông.

Xe máy leo lên vỉa hè để rút ngắn thời gian di chuyển. Ảnh: Hữu Chánh

Ngoài ra, việc phân tích và chỉ rõ các nguyên nhân gây ra ùn tắc và tai nạn giao thông ở nhiều tuyến đường nội đô cũng là cách tác động trực tiếp đến người giao thông, để họ tự nâng cao ý thức và chủ động thời gian, lộ trình lưu thông.

Thực tế hiện nay cho thấy, chừng nào ý thức của người tham gia giao thông chưa được nâng cấp, cải thiện rõ rệt thì mọi giải pháp ở tầm vĩ mô cũng chỉ là giải pháp “cứng”. Ùn tắc ngay từ ý thức thực sự là điều đáng lo ngại nhất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn