MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Gia đình anh Thứ luôn mong thông tin của anh

Vẫn chưa có thông tin chính xác

Việt Lâm LDO | 04/06/2016 10:54
Trong các ngày 15-16-17.6.2015, Báo Lao Động có loạt bài viết về “Vụ 3 người lao động VN mất tích ở Libya”, phản ánh trường hợp các anh Trần Văn Thứ (Lạc Thủy, Hòa Bình), Vũ Văn Hiệp (Phú Lương, Thái Nguyên) bị mất tích khi đang đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại Lybia và anh Nguyễn Văn Nhâm (Thạch Hà, Hà Tĩnh) bị giết, thi thể vẫn nằm tại Lybia… Gần đây, gia đình người lao động(NLĐ) tiếp tục gửi đơn tới Báo Lao Động nhờ xác minh thông tin của người thân và làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan.

 

Gia đình đề nghị Cty tích cực tìm kiếm

Phản ánh tới Báo Lao Động, chị Nguyễn Thị Thu vợ anh Trần Văn Thứ (thôn Đồng Mối, xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) - là một trong ba NLĐ Việt Nam bị mất liên lạc tại Benghazi, Libya đến nay vẫn chưa rõ tung tích cho biết: “Sau gần một năm Báo Lao Động đăng tải thông tin về trường hợp mất tích của chồng tôi và anh Hiệp, đến nay gia đình tôi không nhận được thêm bất cứ thông tin về các anh.

Trong khi đó, ngày 15.9.2015, tại buổi làm việc với gia đình, đại diện của Cty cổ phần nhân lực và thương mại Vinaconex (Vinaconex Mec) đã hứa hẹn sẽ thường xuyên thông báo, cập nhật tình hình thông tin anh Thứ và sẽ chịu trách nhiệm đến khi nào tìm được thông tin anh Thứ mới thôi. Thực sự đã gần hai năm trôi qua, gia đình tôi không biết anh Thứ còn sống hay đã gặp vấn đề gì trắc trở, chúng tôi vô cùng lo lắng và cần sự giúp đỡ từ phía Cty Vinaconex Mec cũng như các cơ quan chức năng hỗ trợ tìm kiếm thông tin người thân”.

Gia đình chị Thu – anh Thứ là một hộ nghèo của vùng kinh tế mới, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, để được xuất khẩu đi lao động ở nước ngoài, gia đình họ đã vay mượn rất nhiều. Từ khi anh Thứ mất tích đến nay, chị Thu một mình phải gồng gánh vừa trả nợ, vừa nuôi hai con nhỏ đang tuổi ăn học, cuộc sống vất vả chật vật vô cùng… Hằng ngày, để có tiên nuôi con ăn học, ngoài việc cày cấy tại ruộng, nương nhà mình, chị Thu còn đi làm thuê cho các hộ trong xóm, đã khiến sức khỏe giảm sút, suy sụp về tinh thần.

Về vụ việc của anh Thứ, chị Thu đã gửi đơn kêu cứu đến Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) đề nghị phía Cục buộc Cty Vinaconex Mec phải tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng trong và ngoài nước để tìm kiếm thông tin của anh Trần Văn Thứ đến cùng; đồng thời phải thông báo kịp thời thông tin của anh Thứ đến gia đình một cách nhanh chóng nhất có thể; trong trường hợp không thấy tung tích của anh Thứ hoặc có thông tin cho biết anh Thứ đã thiệt hại tính mạng thì Cty Vinaconex Mec phải hỗ trợ, bồi thường, hoàn trả mọi khoản chi phí liên quan đến HĐLĐ đã ký theo quy định của pháp luật cho gia đình...

Thi thể NLĐ vẫn ở Lybia

Theo tìm hiểu của PV, liên quan đến vụ việc 3 LĐVN mất liên lạc tại Lyba từ ngày 27.6.2014, mới đây, ngày 22.4.2016, Cục Quản lý LĐ ngoài nước (QLLĐNN) đã có văn bản số  699/QLLĐNN-HQTACP gửi Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao để thông báo trường hợp anh Trần Văn Thứ và anh Vũ Văn Hiệp hiện vẫn đang mất tích; trường hợp anh Nguyễn Văn Nhâm đã tìm thấy thi thể tại Lybia nhưng chưa được đưa về nước. Do đó, Cục Quản lý Lao động ngoài nước(QLLĐNN) đề nghị Cục Lãnh sự phối hợp, hỗ trợ tìm kiếm thông tin của hai lao động còn lại. Cục QLLĐNN cũng yêu cầu phía Cty Simco Sông Đà (DN đưa anh Nhâm sang Lybia) cần tiếp tục phối hợp với đối tác tìm biện pháp đưa thi thể NLĐ về VN trong thời gian sớm nhất…

Sau khi nhận được phản ánh từ gia đình NLĐ và Báo Lao Động, ông Phạm Viết Hương – Phó Cục trưởng Cục QLLĐNN - đã yêu cầu Cty Vinaconex Mec phối hợp với chính quyền địa phương kịp thời thông tin, thăm hỏi, động viên và có biện pháp hỗ trợ đối với gia đình NLĐ; phối hợp với chủ sử dụng LĐ và đề nghị các cơ quan chức năng của VN và Lybia hỗ trợ, tiếp tục tìm kiếm thông tin của 2 LĐ mất liên lạc.

Trao đổi với PV, ông Trương Văn Đại – Phó Tổng Giám đốc Cty Vinaconex Mec cho biết: “Để giảm bớt những khó khăn cho gia đình NLĐ, Cty đã hỗ trợ cho 2 gia đình (50 triệu đồng/ mỗi gia đình). Hiện nay, Cty vẫn tiếp tục liên lạc với chủ sử dụng LĐ và các cơ quan chức năng để tìm kiếm thông tin của NLĐ”.

Khi PV nêu câu hỏi: Trong trường hợp xấu nhất – NLĐ đã bị thiệt mạng tại Lybia thì Cty phải có trách nhiệm như thế nào? Ông Đại cho biết: “Lãnh đạo Cty cũng đã gặp, động viên gia đình NLĐ và cam kết sẽ có trách nhiệm đến cùng trong việc hỗ trợ tìm kiếm NLĐ. Nếu có thông tin anh Thứ, anh Hiệp đã thiệt mạng tại Lybia, hoặc theo kết luận của toà án về vấn đề người mất tích thì Cty mời gia đình lên để bàn thảo việc thanh lý hợp đồng và các khoản bồi thường HĐLĐ. Việc các LĐ mất tích là do yếu tố khách quan, quan điểm của Cty là không đổ trách nhiệm cho NLĐ”.

 Clip gia đình anh Thứ trao đổi với PV Báo Lao Động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn