MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trạm trộn bêtông Xuân Trường tại phường Tân Thành, thành phố Ninh Bình, một trong những cơ sở gây ô nhiễm cần được di dời. Ảnh: Nguyễn Trường

Vẫn chưa di dời được các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi thành phố Ninh Bình

NGUYỄN TRƯỜNG LDO | 08/03/2024 06:00

Ninh Bình - Trên địa bàn thành phố Ninh Bình đang tồn tại hàng loạt nhà máy sản xuất, trạm trộn bêtông hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Mặc dù người dân đã nhiều lần kiến nghị và UBND tỉnh Ninh Bình cũng đã chỉ đạo xử lý, nhưng đến nay các cơ sở này vẫn chưa được di dời.

Theo tìm hiểu của PV Lao Động, tại trung tâm thành phố Ninh Bình hiện tồn tại một số cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường như: Trạm trộn bêtông Xuân Thành, Trạm trộn bêtông Xuân Trường, Công ty TNHH giấy Tiến Dũng được xây dựng với quy mô hàng nghìn mét vuông (tại phường Tân Thành, thành phố Ninh Bình), Công ty Cổ phần Cơ khí lắp máy Lilama (phường Thanh Bình, thành phố Ninh Bình).

Công ty TNHH giấy Tiến Dũng hoạt động gây ô nhiễm từ nhiều năm nay tại phường Tân Thành, thành phố Ninh Bình. Ảnh: Nguyễn Trường

Những cơ sở này nằm ngay trong khu dân cư đông đúc nên mỗi khi hoạt động, sản xuất, khói bụi bay vào nhà dân gây ô nhiễm, cùng với đó là tiếng ồn khá lớn từ máy móc khiến người dân vô cùng bức xúc.

Tại các buổi tiếp xúc cử tri, người dân đã nhiều lần đề nghị di dời các cơ sở trên ra khỏi khu vực trung tâm thành phố để đảm bảo vệ sinh, môi trường. Tuy nhiên, đến nay, việc di dời các cơ sở này vẫn chưa được thực hiện.

Từ năm 2016, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình đã thống nhất chủ trương di dời các cơ sở ô nhiễm trên ra khỏi trung tâm thành phố. UBND tỉnh Ninh Bình và các đơn vị liên quan đã tổ chức nhiều hội nghị và nhiều lần hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình về việc di dời cơ sở sản xuất trên ra khỏi trung tâm thành phố.

Đặc biệt, vào tháng 3.2021, UBND tỉnh Ninh Bình đã có văn bản số 172/UBND - VP4, ngày 23.3.2021 chỉ đạo các đơn vị liên quan và ra "hạn chót" phải di dời các cơ sở trên ra khỏi trung tâm thành phố Ninh Bình trước ngày 5.8.2021.

Chỉ đạo là vậy, tuy nhiên theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, đến nay đã 3 năm trôi qua, những cơ sở này vẫn tồn tại và hoạt động thường xuyên tại trung tâm thành phố Ninh Bình.

Theo ghi nhận của PV Lao Động, vào ngày 7.3, các cơ sở này vẫn hoạt động bình thường, hàng trăm hộ dân ở gần các khu vực cơ sở sản xuất này vẫn phải hứng chịu ảnh hưởng từ khói bụi, ô nhiễm tiếng ồn do các cơ sở này gây ra.

Trạm trộn bêtông Xuân Thành là một trong những cơ sở hoạt động gây ô nhiễm môi trường cần phải di dời ra khỏi trung tâm thành phố Ninh Bình. Ảnh: Nguyễn Trường

Ngày 7.3, trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Cao Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, điều đầu tiên phải xác định đây cũng là những dự án sản xuất kinh doanh mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, phù hợp với các quy hoạch (trước đây là ngoài rìa thành phố), do vậy dự án cũng có thời gian hoạt động theo giấy chứng nhận đầu tư. Qua thời gian, đô thị được mở rộng thì những dự án này không còn phù hợp nữa về mặt ngành nghề, tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường, nhất là đô thị du lịch, tỉnh đã có nhiều hội nghị, nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt về vấn đề này.

"Các doanh nghiệp đều chia sẻ với định hướng phát triển của đô thị và cần phải bảo vệ môi trường. Các ngành và doanh nghiệp phối hợp tìm vị trí khác để đóng cửa, thu hồi dự án tại thành phố Ninh Bình để buộc di dời ra khỏi thành phố (đối với các dự án trạm trộn bêtông, công ty lắp máy, công ty thực phẩm xuất khẩu), tỉnh chỉ lo bố trí vị trí di dời, không đền bù đóng cửa dự án.

Đối với các cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ và ốp lát trong thành phố, yêu cầu chuyển đổi sang chỉ làm thương mại và trưng bày sản phẩm, còn xưởng sản xuất thì ở bên ngoài thành phố. Trong thời gian chưa di dời, yêu cầu các cơ sở sản xuất thực hiện nghiêm bảo vệ môi trường (gồm tiếng ồn, khói bụi, nước thải) và chịu sự giám sát, kiểm tra, quan trắc tự động về môi trường nếu cần. Giao các ngành nghiên cứu quy hoạch lại các cơ sở sản xuất này trên tinh thần chuyển từ đất sản xuất sang đất thương mại hoặc đất công cộng, đất ở đô thị" - ông Nguyễn Cao Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn