MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Con tàu đã bị đánh chìm một tháng nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa thể trục vớt ?! ảnh Vương Hà

Vẫn chưa khởi tố vụ án - Đâu là lý do?

Vương Hà LDO | 19/05/2016 17:50
Ông Trần Văn Thủy ( thường trú ở Trung Hòa, Chiêm Hóa, Tuyên Quang) gửi đơn thư tố cáo đến các cơ quan chức năng ở tỉnh Hà Nam, huyện Lý Nhân và UBND huyện Lý Nhân tố cáo một số đối tượng đánh chìm tàu quốc của ông đang nạo vét lòng sông theo đúng luồng tuyến đã được các cơ quan chức năng từ trung ương tới địa phương cấp phép. Điều đáng lo ngại là, hành động này diễn ra công khai trước mặt các cơ quan chức năng. Đâu là nguyên nhân của sự thật khó tin này?
Những người quá khích bất chấp pháp luật
Theo đơn tố cáo, từ ngày 12 – 16.4.2016 tàu của ông Thủy nạo vét bình thường theo đúng luồng tuyến đã được các cơ quan chức năng cấp phép. Vụ việc xảy ra khi đoàn liên ngành đến kiểm tra giấy tờ vào lúc 14 giờ ngày 16.4. Nhưng chỉ một lúc sau, khoảng 20 -30 đối tượng ở thôn Đồng yên, xã Chân Lý, huyện Lý Nhân đi xuồng máy đến, trèo lên tàu quốc của ông Thủy. Những đối tượng này vứt một số đồ dùng thiết yếu trên tàu xuống sông và lai dắt nó vào bờ. Đến bờ, họ đuổi nhân viên trên tàu xuống trước sự chứng kiến của đoàn kiểm tra liên ngành, trong đó có cả công an huyện Lý Nhân. Nhưng tất cả các vị đó đều … bất lực. Trước sự hung hãn, quá khích đó, nhân viên tàu phải bỏ chạy, lúc đó, chỉ còn lại nhóm người đó cùng với nhân viên của đoàn liên ngành.
Đến 10 giờ sáng hôm sau, một nhóm rất đông lại kéo nhau ra xua đuổi nhân viên tàu lên bờ, lực lượng công an xã, huyện ngăn cản cũng không được. Không dừng ở đó, nhóm người này đã đập phá tàu, đồng thời dùng các phương tiện để đổ nước vào tàu cho đến 14 giờ thì con tàu này chìm hẳn. Tất cả diễn biến kéo dài khoảng 6 tiếng đồng hồ có sự chứng kiến của chính quyền và công an sở tại. 
Đơn tố cáo này cho rằng, nhóm người trên thể hiện hành động rất côn đồ, hung hãn, phạm tội công khai trước mặt cả các cơ quan bảo vệ pháp luật và chính quyền. Do đó đề nghị cơ quan chức năng khởi tố vụ án, khởi tố bị can để giữ nghiêm kỷ cương phép nước. Áp dụng biện pháp bắt khẩn cấp những đối tượng cầm đầu để họ yên tâm phần nào trong quá trình chờ kết quả điều tra của cơ quan chức năng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, việc nạo vét của tàu quốc này là triển khai dự án “nạo vét, duy tu, cải tạo, nâng cấp tuyến luồng đường thủy nội địa quốc gia – sông Hồng, khu vực bãi Việt Hùng, Phạm Lỗ, Hà Nam và Bãi Chim” đã được Bộ GTVT , Bộ Tài nguyên Môi trường, UBND tỉnh Hà Nam quyết định và chấp thuận. 
Tiếp đó, giữa đại diện UBND huyện Lý Nhân, xã Chân Lý, đơn vị tư vấn và đơn vị thi công đã lập biên bản bàn giao mặt bằng mốc giới dự án; Tiếp nữa, bàn giao mặt bằng thi công giữa đại diện Chi cục đường thủy nội địa phía Bắc, sở TN& MT, sở NN& PTNT, sở GTVT tỉnh Hà Nam, UBND huyện Lý Nhân với đại diện đơn vị thi công…
Như vậy, tưởng chừng việc làm này đã quá chặt chẽ, rõ ràng, vậy đoàn kiểm tra làm việc như thế nào để xảy ra sự cố đáng tiếc nêu trên? 
Các cơ quan chức năng nói gì?
Ngày 28.4.2016, chúng tôi đã đến Hà Nam hy vọng gặp lãnh đạo UBND tỉnh Hà Nam, huyện Lý Nhân và các cơ quan chức năng. Tại Sở TNMT, chúng tôi đã làm việc với Giám đốc sở Vũ Hữu Song và ông Sơn -Trưởng phòng khoảng sản. Cả hai ông đều khẳng định, vị trí chiếc tàu hôm tổ kiểm tra đến làm việc là đúng luồng tuyến quy định. Tuy nhiên, để làm rõ việc kiểm tra thế nào, hai ông lại giới thiệu chúng tôi làm việc với ông Trương Văn Hà – phó Phòng khoáng sản, người tham gia trực tiếp vào đoàn kiểm tra. Ông Hà khẳng định: Chiều hôm trước kiểm tra, chủ tịch UBND huyện Lý Nhân đã quyết định thành lập tổ kiểm tra liên ngành. Thời điểm kiểm tra thì tàu đang hoạt động bình thường ở tim luồng tuyến. Lý do kiểm tra, chưa có kế hoạch khai thác với xã, huyện.
Như vậy đã rõ: Việc nạo vét lòng sông đảm bảo cho tàu bè qua lại thông thoáng, không bị mắc cạn là hoàn toàn đúng luồng tuyến. Việc kiểm tra cũng là bình thường, nhưng…Một loạt câu hỏi tiếp theo chúng tôi hy vọng gặp chính quyền và các cơ quan chức năng khác để giải đáp nhưng không thành. Tất cả cùng lý do: Bận.
Gần 20 ngày sau, ngày17.5 chúng tôi một lần nữa đến tỉnh Hà Nam. Dù không gặp được hết như mong muốn, nhưng chúng tôi cũng làm việc được với công an huyện Lý Nhân và Phó Chánh văn phòng huyện Lý Nhân. Làm việc với chúng tôi, thượng tá Trương Anh Vũ – Phó trưởng Công an huyện, cho biết: Có việc một số người lai kéo tàu quốc vào bờ, sau đó đổ nước vào đó cho tàu chìm hẳn. Tuy nhiên, đây là việc làm của một số rất đông người ở một số xóm ở thôn Chân Lý nên phải có điều tra, xác minh thận trọng. Để khởi tố vụ án, chúng tôi cần định giá tài sản, muốn vậy thì phải trục vớt, mà hiện giờ thì chưa thể làm ngay (!!). 
Với câu hỏi, tổ liên ngành kiểm tra như thế nào mà lại để một số đối tượng quá khích có thể lai dắt tàu quốc của đơn vị thi công vào bờ để rồi nhấn chìm nó? Thượng tá Vũ nói, vụ án đang điều tra nên chưa thể cung cấp cho nhà báo. Nhưng ông Vũ cũng khẳng định: Chúng tôi sẽ làm rõ, ai là người cầm đầu, ai là người xúi dục dân và những ai thực hiện việc này. Bởi lẽ, có bức xúc gì đi nữa cũng không thể vượt qua khuôn khổ của pháp luật. Nhiều người dễ bị kích động bởi nghĩ rằng, sông qua địa bàn của xã thì quyền quản lý và lợi ích trên sông gắn liền với họ. Ông Vũ đưa giả thiết, có thể một nhóm nào đó bị ảnh hưởng đến quyền lợi đã kích động người dân, chúng tôi sẽ làm rõ. 
Khi chúng tôi đặt câu hỏi, dư luận cho rằng, lòng sông này rất lâu không được nạo vét, dẫn đến xuất hiện một số bãi cát ngầm khiến nhiều tàu bè qua đây dễ bị mắc cạn. Vì vậy, một số người dân ở đây đã ra hướng dẫn luồng cho tàu và thu phí. Vậy phải chăng, việc nào vét các bãi cát ngầm này sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu của họ? Thượng tá Vũ cho biết, cũng có nghe thông tin đó, nhưng muốn làm rõ thì phải xác minh. Hiện cơ quan điều tra đang làm rõ tất cả các luồng thông tin.
Chúng tôi đề nghị được gặp cán bộ công an huyện trong tổ kiểm tra để nắm thêm thông tin. Tuy nhiên, thượng tá Vũ cho rằng, thành phần liên ngành đó có công an huyện nhưng hôm kiểm tra đó công an huyện không tham gia. Ông Vũ giới thiệu cho chúng tôi gặp ông Nguyễn Thế Quỳnh – tổ trưởng tổ liên ngành, Phó Chánh văn phòng huyện. 
Để gặp được ông Quỳnh, đã phải có ý kiến của ông Chánh văn phòng. Tuy nhiên, lúc gặp mặt, ông Quỳnh cho biết, chỉ nghe nội dung để báo cáo với Chánh văn phòng chứ không trao đổi (!?). Nhưng rồi, chúng tôi cũng moi được một chút thông tin từ ông Quỳnh: Kiểm tra hôm đó có mặt công an huyện, trưởng công an huyện và cả Chủ tịch huyện.
Như vậy, những nhân vật chủ chốt nhất của huyện đều có mặt ở hiện trường, nhưng đã bất lực trước hành động lai dắt tàu bất hợp pháp vào bờ và nhấn chìm nó của một nhóm người. Nhưng điều khó hiểu hơn, một tháng đã trôi qua, các cơ quan chức năng vẫn không thể trục vớt tàu (không khéo lúc nó nổi lên được mặt nước chỉ còn là đống sắt rỉ?) và chưa thể khởi tố một vụ án có dấu hiệu hình sự rất rõ ràng. Vậy đâu là nguyên nhân? 

Tin bài liên quan


 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn