MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Biểu diễn cồng chiêng Tây Nguyên cho du khách ở khu du lịch Măng Đen, Kon Tum. Ảnh: NgH

Văn hóa cồng chiêng phải có không gian đúng mới sinh tồn, phát triển được

Thanh Hải LDO | 02/03/2022 13:00

Đắk Lắk - Đắk Lắk sẽ chi hơn 20 tỉ đồng để bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng, giai đoạn 2022-2025. Đó là một chủ trương thể hiện sự quan tâm, đầu tư quan trọng cho văn hóa, nhưng để bảo tồn, phát triển văn hóa cồng chiêng không phải cứ chi nhiều tiền là đủ...

UBND tỉnh Đắk Lắk vừa thông qua kế hoạch, sẽ chi hơn 20 tỉ đồng để bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng, giai đoạn 2022-2025. Đây là kế hoạch triển khai cụ thể việc thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh đã đề ra trước đó.

Trong số hơn 20,3 tỉ đồng sử dụng trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, Đắk Lắk sẽ chi để triển khai các hoạt động tiêu biểu như Đa dạng cách thức tuyên truyền, giới thiệu, bảo tồn di sản văn hóa cồng chiêng.

Mỗi năm tổ chức phục dựng ít nhất 1 nghi lễ, lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn gắn với hoạt động bảo tồn văn hóa cồng chiêng. Nghiên cứu, sưu tầm, phục hồi, khai thác, truyền dạy và nâng cao hiệu quả sử dụng các bài chiêng cổ của dân tộc Êđê, M’nông trong sinh hoạt cộng đồng. Cấp chiêng và trang phục truyền thống cho đội chiêng, đội văn nghệ tiêu biểu ở buôn đồng bào dân tộc thiểu số để duy trì tập luyện, tham gia sinh hoạt văn hóa cồng chiêng. Gắn bảo tồn buôn văn hóa truyền thống với phát triển du lịch...

Ngoài ra, kế hoạch còn tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng của đội ngũ cán bộ làm văn hóa tại địa phương. Đưa di sản văn hóa cồng chiêng vào Trường Dân tộc nội trú và bán trú trên địa bàn tỉnh...

Đây là số tiền đầu tư khá lớn và chương trình triển khai thực hiện cũng phong phú, nhiều lĩnh vực và rất công phu. Tuy vậy, có thể thấy ngay, những chương trình hoạt động này hầu hết tập trung vào việc duy trì, tái hiện văn hóa cồng chiêng trong đời sống hiện đại. Hoạt động tuyên truyền, đào tạo sử dụng, biểu diễn cồng chiêng... thậm chí trình diễn để phục vụ du lịch là cần thiết, nhưng cồng chiêng chỉ "thật sự sống" trong không gian văn hóa của nó.

Đó là sinh cảnh của người đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, ở dãy Trường Sơn. Đó là rừng núi, là bản làng với hàng trăm lễ hội, phong tục tập quán truyền thống mỗi mùa rẫy, mỗi năm... Ở đó có nhiều phần nghi lễ nghiêm trang, đầy linh thiêng trong đời sống tâm linh của người miền núi. Đó là phần hội phù hợp với sinh cảnh núi rừng hoang sơ có phần bí ẩn của thiên nhiên, thần linh ngự trị trong tâm thức người dân.

Biểu diễn cồng chiêng ở khu du lịch, ở đô thị, thậm chí đã có nhiều show trình diễn tận phố cổ Hội An cho du khách thưởng lãm - đó không phải là bảo tồn. Ngay UNESCO cũng công nhận "không gian văn hóa cồng chiêng" chứ không phải chỉ "văn hóa cồng chiêng" Tây Nguyên.

Đầu tư cho văn hóa là chủ trương đúng đắn và cần thiết, nhưng giữ gìn không gian văn hóa cho cồng chiêng cũng hết sức quan trọng, cần có sự đầu tư đúng mức. Đó là việc bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên. Có vậy thì đời sống văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số mới được bảo tồn và phát huy một cách bền vững được.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn