MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhóm 5 nữ sinh lột đồ, đánh hội đồng nữ sinh ở Hưng Yên trong phiên xét xử sơ thẩm tại TAND huyện Ân Thi. Ảnh: Thanh Hùng/Vietnamnet

Vấn nạn bạo lực học đường: Làm sao có thể xử lý dứt điểm?

Huyền Thanh LDO | 30/10/2019 07:39

Theo một số bạn đọc, xã hội cần có sự quan tâm hơn nữa về bạo lực học đường, không thổi phồng cũng như không thờ ơ. Để hạn chế tình trạng này, cần sự chung tay của mỗi gia đình và nhà trường.

Ngày 29.10, ông Phạm Xuân Trường - Hiệu trưởng trường THCS - THPT Phạm Ngũ Lão (TP.Hồ Chí Minh) cho biết, sau khi xác minh rõ ràng vụ nhóm học sinh của trường đánh nhau, trường sẽ đưa ra hướng xử lý phù hợp. Trong khi đó, Công an phường 17 (quận Gò Vấp) cũng thông tin, đơn vị nhận được trình báo về việc em Đ.T.B.N (16 tuổi) bị đánh hội đồng.

Trước đó, ngày 21.10 tại Trường THCS Lê Quý Đôn (Bình Dương), cũng xảy ra vụ việc một nữ sinh bị nhiều học khác đánh hội đồng dã man. Trong clip có rất nhiều bạn học đứng xem không can ngăn, mặc cho nữ sinh bị đánh.

Nữ sinh ở Bình Dương bị đánh, nhiều bạn học không căn ngăn.

Trong một thời gian ngắn xảy ra liên tiếp nhiều vụ việc bạo lực học đường. Các đoạn clip với hành vi dã man được cộng đồng mạng chia sẻ và lên án mạnh mẽ. Nhiều bạn đọc tỏ ra bất bình trước những hành động của các bạn học sinh còn nhỏ tuổi.

Bạn đọc Nguyễn Huệ cho biết, hiện tượng bạo lực học đường không mới nhưng là nỗi ám ảnh của nhiều học sinh và phụ huynh. Bất cứ lý do gì cũng là chủ đề khiến một đứa trẻ bị chê cười, bắt nạt như béo quá, lùn quá, "nhìn đểu"… Những rắc rối gặp ở trường khiến các em không muốn đến trường vì lo lắng, chán nản.

Theo bạn đọc Lê Thanh: “Dù là tâm lý tuổi mới lớn, muốn thể hiện bản thân nhưng các em đã vượt quá mức cho phép. Những hành động mắng chửi, đe doạ, hành hung người khác thì không thể chấp nhận được. Nhà trường cần đưa ra quy định xử lý và cảnh báo để tránh các trường hợp khác tái diễn”.

Còn bạn Ngọc Giang cho rằng, không chỉ những người trực tiếp tham gia đánh, các em học sinh chứng kiến bạn mình bị đánh, đứng nhìn, quay clip để tung lên mạng đã gián tiếp tiếp tay cho những hành vi sai trái. Do vậy, hãy đừng vô cảm khi thấy bạn bè bị đánh để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Đoạn clip ghi lại cảnh nữ sinh bị bạn học đánh hội đồng.

“Đã có rất nhiều trường hợp học sinh đánh hội đồng, bắt nạt bạn, đặc biệt như vụ việc tại Trường THCS Phù Ủng (Hưng Yên). Sự việc rất nghiêm trọng nên ngày 29.10, TAND huyện Phù Ủng đưa vụ việc ra xét xử. Đây là lời cảnh tỉnh cho các em ở lứa tuổi mới lớn, các em sẽ phải chịu trách nhiệm trước những hành vi sai trái của mình chứ không đơn giản chỉ là xin lỗi” - ý kiến của bạn đọc Thu Hương.

Cùng quan điểm, bạn đọc Trần Cường cho biết, gia đình nữ sinh bị bạo hành ở Hưng Yên đã yêu cầu bồi thường danh dự 500 triệu đồng. Đây là số tiền không hề nhỏ, các bạn học sinh đang tuổi mới lớn thích dùng bạo lực giải quyết mâu thuẫn cần lưu tâm. Có rất nhiều hệ lụy kéo theo như sẽ bị đình chỉ học, bồi thường tiền thuốc, danh dự cho nạn nhân nên đừng vì một phút nóng giận mà mất khôn.

Theo ý kiến của bạn đọc Tú Thanh, nhà trường nên tổ chức các chương trình tuyên truyền, hoặc tổ chức team building. Cần tạo điều kiện cho các em học sinh tham gia hoạt động tập thể, giúp các em gần gũi và hiểu nhau hơn. Gia đình và nhà trường cần giáo dục cho con trẻ hiểu cách tôn trọng người khác, tránh soi mói, chế giễu bạn bè.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn