MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân chờ đợi mua thuốc trước một số hiệu thuốc ở Quận 5, TPHCM. Ảnh: Vũ Phúc.

Vật giá “té nước theo mưa” không chỉ mớ rau mà từ bình nước, hộp thuốc...

Thế Lâm LDO | 25/08/2021 12:47

Đi chợ, siêu thị vào những thời điểm bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 hay những thời điểm siết chặt hơn việc người dân ra đường, mới thấy vật giá “té nước theo mưa” từng ngày.

Giá tăng từ mớ rau, quả bầu, bình nước…

Còn nhớ vào trung tuần tháng 7 khi TPHCM đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Bách Hóa Xanh đã bị người tiêu dùng tố về việc tăng giá một số mặt hàng rau củ quả lên gấp hai hoặc gần gấp ba. Vào thời điểm đó, trên thực tế không chỉ có Bách Hóa Xanh mà cả một số chợ truyền thống, các mặt hàng thực phẩm, rau xanh tăng giá mạnh khi người dân đổ xô đi mua tích trữ.

Vừa mới đây, trước thời điểm ngày 23.8 cũng thế, giá cả nhiều mặt hàng thực phẩm, rau củ quả, hàng hóa thiết yếu lại một lần nữa leo thang.

Mua thực phẩm tươi sống ở chợ truyền thống hay chợ vỉa hè những ngày qua giá cả cực kỳ bất định, mức tăng thế nào chẳng thể kiểm soát, và có một điều chắc chắn là cao hơn nhiều so với các chuỗi siêu thị có chương trình bình ổn giá.

Tuy nhiên tại một số chuỗi siêu thị, cửa hàng nhỏ khác giá cả cũng chẳng chịu “ngồi yên”. Chị Mai đi mua tại hệ thống siêu thị nhỏ B.S ở Quận 4 cho biết, một lốc trứng gà 6 quả 30.000 đồng, tính ra mỗi quả 5.000 đồng, nhưng kích cỡ bé hơn mua tại những chuỗi siêu thị lớn rất nhiều, thậm chí so với mặt hàng trứng cùng loại giá cũng cao hơn vài trăm đồng mỗi quả.

Thực phẩm, rau xanh tăng giá rất dễ bị “phát hiện” vì người tiêu dùng thường xuyên mua dùng. Song trên thị trường mùa giãn cách còn không ít mặt hàng thiết yếu tăng giá vô tội vạ, theo nhiều chiêu thức, và tất nhiên chẳng có giải thích, thông báo gì rõ ràng về nguyên nhân, lý do tăng giá.

Đơn cử chuỗi cửa hàng tiện lợi S.E, trước thời điểm 22.8 vài ngày giá mỗi bình nước uống A. loại 5 lít là 25.000 đồng. Đến ngày 22.8, anh Hùng ghé một cửa hàng S.E trên đường Bến Vân Đồn (Phường 6, Quận 4, TPHCM) thì hóa đơn 1 thùng gồm 4 bình lên đến 118.000 đồng. Giá mỗi bình tính ra là 29.500 đồng, tăng 4.500 đồng, tương ứng mức tăng khủng 18% chỉ trong vòng vài ngày.

Cho đến những loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe

Một số loại thuốc, thực phẩm tăng cường/bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch càng cho thấy giá cả “nhảy múa” còn khủng khiếp hơn.

Cách đây chừng hai tháng, anh Hùng mua một tuýp vitamin C sủi loại 1.000Mg hiệu U. tại cửa hàng thuộc hệ thống L.C trên đường Nguyễn Thái Học (Quận 1, TPHCM) với giá hơn 35.000 đồng (10 viên). Nhưng khoảng 10 ngày trước anh quay trở lại, loại C sủi cũ được cho là “hết hàng”, thay vào đó anh được giới thiệu loại mới hiệu Dr. (20 viên sủi) nhưng giá lên đến 110.000 đồng.

Hai loại viên Vitamin C sủi này có công thức cơ bản như nhau, nhưng tính ra giá mỗi viên chênh lệch đến khoảng 4.500 đồng, tức khoảng 50%. Theo đó, ngay trong cao điểm dịch hiện nay người tiêu dùng phải chi phí tăng 50% cho loại viên C sủi này.

Một số loại sản phẩm bảo vệ sức khỏe có xu hướng được xuất xưởng với tên gọi mới nhưng thực chất chỉ thay đổi bao bì, tên sản phẩm, hoặc những sản phẩm này được nhập khẩu về phân phối tại Việt Nam, nhưng với mức giá bán ra cao gấp rưỡi, gấp đôi so với sản phẩm cùng chủng loại trước đó.

Thậm chí tại chuỗi nhà thuốc P, ba lần gần đây chị Mai vào mua luôn được nhân viên giới thiệu một sản phẩm mới cùng loại với loại thuốc chị cần tìm, chỉ có điều giá cao hơn gấp 2-3 lần. “Họ phải được chiết khấu cao hơn thì mới nhiệt tình giới thiệu loại sản phẩm mới như vậy”, chị Mai công tác trong lĩnh vực marketing đưa ra nhận xét.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn