MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Lư Ngọc Duy (phải) trao trả tài sản hơn 200 triệu đồng cho gia đình người làm mất ở Quảng Ngãi. Ảnh: Hà Thị/LĐO.

Ve chai mồ hôi nước mắt “nặng” hơn tiền, vàng bỏ quên

Thế Lâm LDO | 01/05/2020 15:19

Người đàn ông thu mua ve chai tên Lư Ngọc Duy (ngụ xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) mang trả lại 180 triệu đồng tiền mặt và số vàng, nữ trang tương đương 1,3 lượng cho khổ chủ đã làm lan tỏa câu chuyện về hành vi đẹp “nghèo cho sạch, rách cho thơm” trong cộng đồng những ngày qua.

Sòng phẳng mà nói, việc người đàn ông nghèo có hoàn cảnh gia đình khó khăn đã làm, không phải ai cũng sẵn sàng làm như vậy.

Anh Duy hành xử đúng như câu tục ngữ “nghèo cho sạch, rách cho thơm” đã được lưu truyền trong xã hội Việt từ hàng ngàn năm qua.

1 vợ, 2 con, cha mẹ già yếu, cả gia đình sống dựa vào mấy sào lúa và nghề đi thu mua ve chai của anh Duy. Nhưng anh vượt qua được lòng tham trước một món tiền lớn. Thậm chí, khi đập chiếc tủ phế liệu ra và phát hiện món tiền này, tâm lí tự nhiên người đàn ông nghèo còn cảm thấy lo sợ. Nhưng động lực thôi thúc anh tìm đến công an địa phương để nộp lại số tiền mà chủ nhà bán đồng nát để quên trong chiếc tủ, chỉ vì nghĩ “nếu mình ở địa vị người bị mất số tiền sẽ rất khổ sở”.

Và anh Duy không muốn để khổ chủ phải khổ sở, như cuộc đời anh và gia đình anh đã và đang như thế.

Nghề thu mua ve chai ở vùng quê thường ngày giúp anh kiếm được 70.000-80.000 đồng, khá khẩm hơn thì có thể hơn 100.000 đồng. Nhưng trong thời gian cách ly toàn xã hội, anh cũng như bao người gặp khó khăn vì không thể đi làm kiếm sống. Khi có thể đi làm trở lại, hoàn cảnh gia đình vẫn khó khăn và thiếu thốn, nhưng không vì thế gặp món tiền lớn mà nảy sinh lòng tham giữ lấy.

Trong tình huống món tiền, vàng giá trị hàng trăm triệu đồng ấy sờ sờ trước mắt, với nhiều người, giữ lại thì dễ và trả lại mới khó. Còn với anh Duy thì ngược lại, để người khác không phải khổ sở, đau xót vì mất tiền của.

Với nghề thu mua ve chai như anh Duy, có lẽ phải làm rất nhiều năm mới có thể kiếm được số tiền lớn như thế. Nhưng sống với nghề, đồng tiền kiếm được một cách chân chính, dù ít nhưng lòng thanh thản, và được cộng đồng trân trọng, cảm mến. Đồng tiền kiếm sống chân chính vẫn bền vững hơn đồng tiền “từ trên trời rơi xuống”.

Tấm gương “không tham của rơi” của anh Duy được dư luận bàn tán nhiều trong những ngày qua còn vì gần đây, đã xảy ra không ít hành vi không đẹp tại một số điểm cấp phát quà hỗ trợ các gia đình nghèo, đối tượng khó khăn trong mùa dịch COVID-19.

Đó là một trường hợp  khoác túi hàng hiệu đi lấy đồ cứu trợ vốn chỉ dành phát cho người nghèo. Đó là những người đi xe tay ga nhân tiện tạt vào lấy gạo từ cây ATM gạo với mục đích hỗ trợ những đối tượng khó khăn… Căn bệnh tham vặt, lạm dụng lòng tốt của cộng đồng, nhiều khi lại xuất hiện ở những người có điều kiện kinh tế khá, có cuộc sống sung túc…

Những tấm gương “không tham của rơi” như anh Duy, giống như những cây “ATM sống đẹp” lan tỏa đến cộng đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn