MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chữ tịnh trong Hán tự. Ảnh: Nguyên Đức

Về một chữ tịnh trong đạo Phật

Nguyên Đức LDO | 21/08/2022 09:16

Nói đến Phật giáo, người Việt thường quan niệm gắn với hai chữ tịnh độ. Những tăng ni theo hệ thiền môn Trúc lâm rõ ràng càng gần gũi quan điểm này. Cho nên, chữ tịnh đối với ứng xử của người tu tập, rất cần được hiểu đúng.

Với những người học Hán văn, trong Hán tự xuất hiện phổ biến 5 chữ tịnh khác nhau. Trong đó, có ba chữ tịnh phổ biến và cùng một nghĩa từ trong suốt nhưng nội hàm không giống.

Chữ Tịnh 靜 thứ nhất, được ghép bởi bộ thanh 青 (màu xanh) với chữ tranh 爭 (đối đầu), nghĩa là trong suốt, được phân tích chỉ sự yên lặng, yên tĩnh.

Chữ tịnh 淨 thứ hai và chữ tịnh 净thứ ba, được ghép bởi bộ thủy 氵(nước), bộ băng 冫(giá tuyết) với chữ tranh 爭, cũng có nghĩa là trong suốt, nhưng phải hiểu là trong sạch.

Sự khác biệt ở đây khá là tinh tế. Cả ba chữ đều có chữ tranh 爭, dùng để tạo chữ hài thanh do với âm Hán ngữ, chữ tranh và chữ tịnh đọc gần giống nhau.

Nhưng xét về cách thể hiện, chữ tranh vẽ hình hai bàn tay móng vuốt đối đầu, ám chỉ sự tranh giành, định đoạt. Chữ tranh, theo đó thể hiện cái khí chất, tinh thần của con người trong cuộc đời, luôn đối đầu chấp nhất.

Với chữ tịnh thứ nhất, dùng bộ thanh 青, trên vẽ bộ phong là mầm cây, dưới vẽ chữ đan là màu đỏ, chỉ nghĩa cây mọc trên đất đỏ, tức đất có nhiều dinh dưỡng, trồng cây sẽ lên tươi tốt. Bộ thanh vì thế nghĩa là xanh tươi, màu xanh cây lá.

Ghép chữ tranh vào bộ này, người xưa ngụ ý, “tranh nhi bất tranh”, không có sự đối đầu sẽ tốt hơn, cứ điềm nhiên như tán cây, mỗi ngày thêm một chiếc lá, một mẩu cành, từ từ tạo nên dáng, liên kết  tạo nên rừng, bền lâu mà được việc, yên tĩnh thì sẽ hơn.

Chữ tịnh từ hình ảnh tán cây như vậy, nhìn ra vẻ bình lặng, mà vẫn lấy cái cao hơn, được hơn làm chủ, như nhìn thấy gió, tán cây phải xáo động, vẫn có tính chất cưỡng cầu. 

Chữ tịnh thứ hai, thứ ba, có bộ băng bộ thủy, đều dùng hình ảnh dòng nước làm chủ, ý chỉ về sự lắng lọc, mềm mại và chấp nhận của nước.

Khi ghép với chữ tranh, người xưa ngụ ý: “Tranh đấu ồn ào đó, nhưng rồi có được gì? Hơn thua là vậy đó, nhưng nào có khác chi? Sao không như giòng nước, tĩnh tại mà trôi đi, từ cao đổ xuống thấp, sạch bẩn đâu màng chi? Tịnh tư mà dung nạp, bằng phẳng mặt tu vi. Tịnh tâm mà trong suốt, giấu hết trong từ bi”.

Đây chính là chữ tịnh của nhà Phật, chữ tịnh trong tư thế bao dung độ lượng, hỉ xả từ bi tứ đại giai không. Đây cũng chính là chữ tịnh của Nho gia, không lấy sự được hơn làm mục tiêu mà phải biết dung nạp, hòa đều làm thuận ý để kiểm soát.

Chữ tịnh chọn gốc dòng nước chảy êm đềm, giấu bên trong mọi mâu thuẫn rối rắm, tưởng yếu nhược mà mạnh mẽ, là nguyên tắc của người tu tập. Người xưa nói, tĩnh tại là mặt nước hồ thu, tịnh không là mặt dòng sông băng giá, đều chỉ vào một chữ tịnh an nhiên thảng hoặc này.

Người đời đối diện những bon chen vấp váp, kẻ tu tập đối diện những thị phi hơn thiệt, tất nảy sinh tâm đối kháng, rất cần phải điều chỉnh lại để tránh những sai lầm lệch lạc không cần thiết. Muốn như vậy, tịnh độ là quan niệm cần thiết, trong đó chữ Tịnh nhất định phải được hiểu thấu, nắm rõ và thực hành đúng.

Dù là chữ tịnh yên lặng hay chữ tịnh trong suốt, con người thực hành tịnh độ cũng sẽ có được sự điềm nhiên bình thản của mình, mà thong dong đối diện mọi sự mọi việc, từ đó có được cách hóa giải xử lý tích cực nhất.

Một chữ tịnh như vậy, thật cần được quán chiếu biết bao!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn