MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa (internet)

Về quy định cam kết không được có thai của phạm nhân nữ khi gặp chồng

Đỗ Văn Nhân LDO | 03/11/2016 06:00
Vừa qua, Bộ Công an lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Thông tư về việc phạm nhân gặp thân nhân, nhận, gửi thư; nhận tiền, quà và liên lạc điện thoại với thân nhân, trong đó có quy định phạm nhân nữ được gặp chồng tại phòng riêng, nhưng phải cam kết không được có thai.

Quy định này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Có ý kiến đồng tình nhưng ý kiến khác lại không đồng tình cho rằng, cần phải tạo điều kiện để phạm nhân nữ được sinh con nhằm đảm bảo bình đẳng giới, quyền con người... tuy nhiên ý kiến của cơ quan quản lý lại cho rằng nếu để phạm nhân nữ mang thai sẽ rất khó khăn trong công tác chấp hành án.          

Phải khẳng định đây là chính sách tiến bộ, đảm bảo quyền con người, chính sách này đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Tuy nhiên, xoay quanh vấn đề phạm nhân nữ được gặp chồng tại phòng riêng nhưng phải cam kết không được có thai, tôi cho rằng quy định này cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, tránh những vấn đề phát sinh ngoài ý muốn.           

Trước hết, về điều kiện phạm nhân nữ được gặp chồng tại phòng riêng, theo tôi là những trường hợp những phạm nhân cải tạo tốt, thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại từ 2 năm trở xuống thì được phép gặp chồng tại phòng riêng. Không nên quy định trường hợp nào cũng cho phép phạm nhân nữ được gặp chồng, sẽ ảnh hưởng đến quá trình cải tạo, ảnh hưởng đến ý thức chấp hành án, chấp hành pháp luật và tư tưởng hoàn lương của phạm nhân nữ.          

Phạm nhân nữ khi gặp chồng phải cam kết không có thai, đây là quy định thiếu sự ràng buộc cụ thể và khó có thể thực hiện. Việc cam kết không phải là biện pháp bắt buộc thực hiện, nếu vi phạm cam kết có thể phạm nhân nữ sẽ không được gặp chồng, không được giảm án và hạn chế một số các quyền khác. Nhưng trường hợp phạm nhân nữ có thai thì phải xử lý như thế nào? Vì phạm nhân nữ có tư tưởng bất chấp, khát khao quyền được làm mẹ thì cơ quan quản lý trại giam có thể buộc họ phá thai, từ bỏ con của mình hay không? Đây là vấn đề hết sức nhạy cảm, nếu không cẩn thận sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền con người; vi phạm chính sách của nhà nước trong việc bảo vệ bà mẹ và trẻ em.          

Như đã đề cập ở trên, cho phép phạm nhân nữ được gặp chồng đối với những trường hợp cải tạo tốt, thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại từ 2 năm trở xuống, thì trong trường hợp này có thể phạm nhân nữ được mang thai và có quyền sinh con trong trại giam. Vấn đề mang thai, sinh con sau khi gặp chồng của phạm nhân nữ thì cơ quan quản lý trại giam chỉ nên khuyến cáo, giải thích rõ những mặt được và hạn chế, khó khăn của việc sinh con trong trại giam, không nên quy định cấm đoán... Do đó, quy định này cần phải nghiên cứu thận trọng, đảm bảo thực thi chính sách nhân đạo của Nhà nước, vừa đảm bảo quyền con người, quyền làm mẹ của phạm nhân nữ nếu đáp ứng một số điều kiện theo quy định của pháp luật. 

Đỗ Văn Nhân  TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum      

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn