MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vi phạm giao thông bị thông báo về cơ quan: Nhập nhằng việc công, việc tư

LƯƠNG HẠNH LDO | 20/09/2022 17:13
Nhiều bạn đọc đã bày tỏ quan điểm trái chiều trước thông tin cán bộ, công chức ở Hà Nội vi phạm giao thông sẽ bị thông báo về cơ quan.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành công văn yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của thành phố (TP) chấp hành nghiêm các quy định về trật tự an toàn giao thông.

Theo đó, TP Hà Nội ban hành công văn trên nhằm kiềm chế tai nạn giao thông; không để xảy ra các vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; tai nạn giao thông liên quan đến người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm về nồng độ cồn…

Trong đó, Chủ tịch TP Hà Nội yêu cầu các sở ngành, quận huyện thường xuyên quán triệt, phổ biến Luật Giao thông đường bộ; Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và Công điện số 488 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấp hành các quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

TP Hà Nội yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên thực hiện nghiêm quy định đã uống rượu, bia không điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Đặc biệt, TP Hà Nội giao lực lượng chức năng thông báo về cơ quan, đơn vị đối với người vi phạm là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước hoặc thông báo về địa phương nơi công dân cư trú để xem xét, xử lý theo quy định.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng nghiêm cấm người đứng đầu, lãnh đạo các sở ngành, quận huyện và cán bộ, công chức can thiệp, tác động vào quá trình xử lý các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông của lực lượng chức năng.

Bạn đọc Lê Phúc Đạt bày tỏ: "Khi ra lệnh cấm tức là việc này đã tồn tại và sự tồn tại này không được chấp nhận. Hóa ra bấy lâu nay, sau một số vụ va chạm, tai nạn giao thông, có những người đã xử lý hậu quả bằng các mối quan hệ. Do đó, tôi hoàn toàn ủng hộ quyết định này, đảm bảo công bằng cho những người tham gia giao thông nhưng không có quan hệ để xin xỏ".

Đồng quan điểm, bạn đọc Trung Đức cũng cho hay: "Nhiệt tình ủng hộ quyết định này. Tôi nghĩ rằng, bên cạnh quyết định này cũng cần đẩy mạnh hơn nữa việc sử dụng đường dây nóng để phản ánh lên cấp có thẩm quyền. Những người can thiệp để "giải cứu" người vi phạm giao thông cũng phải bị xử lý thích đáng". 

"Đã phạm lỗi sai thì phải chịu chứ đừng nhờ người khác can thiệp. Chỉ khi làm vậy, người vi phạm có thế mới nhớ lỗi sai để lần sau rút kinh nghiệm. Tôi hy vọng ở 62 tỉnh thành cũng có quyết sách đúng đắn, nghiêm túc như ở Thủ đô. Từ đó mới giảm thiểu những vụ tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra" - một bạn đọc giấu tên bày tỏ.

Bày tỏ quan điểm trái ngược, bạn đọc Mạnh Hưng cho hay: "Người vi phạm giao thông có thể do vô tình và họ đã phải chịu phạt, tại sao phải thông báo về cơ quan? Mục đích của việc này là gì? Để cơ quan giáo dục hay làm ảnh hưởng đến công việc của người lao động? Đến khi người lao động bị mất thành tích thi đua, cuối cùng là chậm lương hoặc hạ bậc lương thì ai chịu trách nhiệm?".

"Vi phạm luật giao thông thì xử lý theo Luật Giao thông. Luật chưa đủ răn đe thì kiến nghị sửa đổi hoặc phạt nặng hơn chứ thông báo về cơ quan để làm gì? Việc công ra công, tư ra tư, tại sao lại nhập nhằng hai việc này?" - bạn đọc Trần Bảo Trân bức xúc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn