MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tình trạng nuôi tôm ở bãi sông Rào Cái ảnh hưởng tiêu thoát lũ ở xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh hiện nay. Ảnh: Trần Tuấn.

Vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi ở Hà Tĩnh gần như chưa được xử lý

TRẦN TUẤN LDO | 18/09/2021 18:17
Sau hàng loạt vi phạm nuôi tôm ở bãi sông Rào Cái ảnh hưởng tiêu thoát lũ, vi phạm hành lang đê điều mà Lao Động vừa phản ánh, tìm hiểu cho thấy, Hà Tĩnh đang nhức nhối về nạn vi phạm luật về đê điều, thủy lợi nhưng gần như chưa được xử lý.

Thiếu quan tâm, chậm xử lý

Ngày 15.9, đặt vấn đề tìm hiểu về tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi trên địa bàn tỉnh hiện nay, ông Trần Đức Thịnh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh cho biết, so với năm 2019 thì đến nay các vụ vi phạm về đê điều, thủy lợi giảm không đáng kể, thậm chí còn có dấu hiệu tăng thêm. Bởi vậy, năm 2020 và 2021 chưa có báo cáo mới.

Theo báo cáo của Sở NNPTNT Hà Tĩnh ngày 6.9.2019, tổng số vụ vi phạm pháp luật về đê điều là 759 vụ. Trong đó, vi phạm về xây dựng nhà ở kiên cố, nhà tạm, ki ốt có 400 vụ; xây trang trại, đào ao nuôi trồng thủy sản 109 vụ; trồng cây lâu năm, dựng lều quán, đổ chất thải, rác thải, tập kết vật liệu 250 vụ.

Nuôi tôm trái quy định ở bãi sông thuộc xã Đồng Môn, thành phố Hà Tĩnh. Ảnh: Trần Tuấn.

Về thủy lợi, số vụ vi phạm là 1.173 vụ. Trong đó, xây dựng nhà kiên cố, nhà tạm, ki ốt là 90 vụ; xây dựng trang trại, đào ao nuôi trồng thủy sản là 151 vụ; trồng cây lâu năm, dựng lều quán, đổ chất thải, rác thải, tập kết vật liệu là 932 vụ.

Từ báo cáo trên, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các địa phương để xảy ra vi phạm “thực hiện chiến dịch xử lý dứt điểm”, thời gian hoàn thành, báo cáo về tỉnh trước ngày 30.11.2019.

Tuy nhiên, đến ngày 17.12.2019, Sở NNPTNT Hà Tĩnh có báo cáo đã nêu rõ chỉ có 67/759 vụ vi phạm về đê điều được xử lý; 17/1.173 vụ vi phạm về thủy lợi được xử lý.

“Qua báo cáo của các địa phương và kiểm tra thực tế của Sở NNPTNT cho thấy, hầu hết các địa phương không thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Tĩnh… một số địa phương còn để xảy ra phát sinh vi phạm mới…” - báo cáo nêu.

Sở NNPTNT Hà Tĩnh sau đó cũng đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh phê bình nghiêm khắc các địa phương không xử lý các vi phạm dứt điểm theo chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Sẽ quyết liệt hơn?

Theo ông Trần Đức Thịnh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh, trước tình trạng các vi phạm về đê điều, thủy lợi trên địa bàn tỉnh chậm được xử lý, ngày 11.3.2021, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo thanh tra diện rộng về các vi phạm này.

Đầu tháng 5.2021, Sở NNPTNT Hà Tĩnh đã có quyết định thành lập đoàn để kiểm tra, nắm tình hình về vi phạm đê điều, thủy lợi. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên đến nay chưa triển khai thanh, kiểm tra được.

Chiều ngày 18.9, ông Bùi Huy Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc - một địa phương xảy ra nhiều vi phạm về đê điều, thủy lợi - cho biết, việc xử lý vi phạm về đê điều, thủy lợi đang gặp khó khăn.

“Quy trình quản lý lâu nay của ta cũng có vấn đề, phức tạp. Khi vi phạm chức năng xử lý chủ yếu của xã mà xã cũng có mức độ. Hiện chúng tôi tiếp tục giao xã xử lý quyết liệt, vướng mắc chỗ nào thì báo cáo để huyện xử lý” - ông Cường nói.

Không chỉ vi phạm trong nuôi tôm mà hiện nay các vi phạm khác về đê điều, thủy lợi ở Hà Tĩnh đang chậm được xử lý. Ảnh: Trần Tuấn.

Ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở NNPTNT Hà Tĩnh cho rằng, các vụ vi phạm về đề điều, thủy lợi trên địa bàn tỉnh phần lớn do lịch sử để lại đang khó khăn, vướng mắc trong xử lý. Còn các vi phạm mới là ít, gần như không có.

“Chúng tôi đã có kế hoạch thanh tra toàn diện, nhưng do ảnh hưởng dịch COVID-10 nên chưa triển khai được. Tới đây chúng tôi sẽ triển khai, soát xét lại cụ thể để có đề xuất xử lý quyết liệt hơn nữa” - ông Việt nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn