MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một nữ sinh bị nhóm bạn đánh đến mức co giật vừa xảy ra tại huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định). Ảnh: LDO

Vì sao bạo lực học đường nhiều đến vậy?

LÊ PHI LONG LDO | 27/10/2022 10:55

Chỉ trong mấy ngày gần đây, liên tục các vụ nữ sinh bạo hành xuất hiện trên mạng xã hội gây xôn xao dư luận. Chuyện bạo lực học đường đang là vấn đề rất được quan tâm vì mức độ ngày càng tăng lên.

Gần đây nhất, chiều 26.10, mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh 3 nữ sinh kéo tóc nhau, trong đó 1 nữ sinh bị đánh liên tục vào đầu xảy ra tại một trường học thuộc huyện Gò Dầu (tỉnh Tây Ninh).

Hay ngày 25.10, xuất hiện 2 clip ghi lại hình ảnh 2 nữ sinh bị nhóm bạn đánh hội đồng. Clip thứ nhất ghi lại cảnh một nữ sinh lớp 7 ở huyện Quế Phong (tỉnh Nghệ An) bị nhóm khoảng 3-4 nữ sinh dùng tay túm tóc, đánh, tát tới tấp vào mặt, đạp lên người.

Đoạn clip khác ghi lại cảnh một nữ sinh ngồi trên giường ở ký túc xá bị một nhóm khoảng 4 nữ sinh khác liên tục chửi bới, thay nhau tát vào mặt.

Hay ngày 24.10, một clip ghi lại cảnh một nữ sinh tại TP Vũng Tàu bị một nhóm người dùng mũ bảo hiểm tấn công liên tiếp và kéo lê trên đường.

Đó là những ví dụ về những vụ bạo hành học đường trong 3 ngày gần đây nhất được tung lên mạng xã hội. 

Còn nhiều, rất nhiều các vụ khác nữa khiến ai cũng bức xúc, phẫn nộ và rất buồn, vì môi trường giáo dục đang bị “vẩn đục".

Thậm chí, một học sinh lớp 11 ở Long An đã bị đánh tử vong do mâu thuẫn với một học sinh lớp 10.

Qua đó mới cho thấy, việc dạy đạo đức, nhân cách cho học sinh phải đóng vai trò cốt lõi trong nhà trường, đó mới là cơ sở cho nền tảng kiến thức và giáo dục cho học sinh.

Theo TS. Trần Thành Nam - Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội), giáo dục đang chuyển trọng tâm từ “dạy chữ sang dạy người”, vì thế cần phải nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá kết quả “dạy người” ở học sinh hiện nay.

Vì thực tế đã cho thấy, gần đây đã xảy ra rất nhiều sự việc bạo lực học đường, vô lễ với thầy cô giáo, học sinh có rất nhiều hành vi lệch chuẩn.

Tệ nạn bạo lực học đường đã được báo động từ lâu, tuy nhiên việc xử lý chưa đủ sức răn đe, chưa đủ sức tác động vào hành vi, ý thức học sinh.

Và trách nhiệm, tất nhiên là do nhà trường, do gia đình đã dạy dỗ, giảng dạy đạo đức học đường chưa hiệu quả, chưa sâu sát, chưa nghiêm khắc ngay cả với những học sinh vi phạm.

Và hơn ai hết, chính những thầy cô giáo phải là những tấm gương tốt cho học sinh noi theo.

Mới đây thôi, ngày 26.10, mạng xã hội lan truyền clip một giáo viên nam "khóa tay" một cô giáo sau đó đưa cô giáo này ra khỏi lớp trước sự chứng kiến của nhiều học sinh xảy ra tại một trường cấp 3 ở Huế. Chưa biết bản chất của sự việc là như thế nào vì các cơ quan chức năng đang xác minh, xử lý. 

Nhưng dù lý do gì đi nữa, thì đó là những hình ảnh không đẹp trong môi trường giáo dục; và đúng ra, những hình ảnh trên không nên xảy ra trước mặt các học sinh.

“Chuyện của Huyền” - là một vở kịch được các học sinh trường THPT Hương Sơn (Hà Tĩnh) vừa thể hiện tại diễn đàn “xây dựng tình bạn đẹp - nói không với bạo lực học đường”.

Vở kịch đã truyền tải nội dung những xích mích dẫn đến bạo lực học đường, từ đó dẫn đến phiên tòa xét xử vi phạm pháp luật. Đây là những hoạt động thiết thực, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của nhà trường đối với việc giáo dục lối sống cho học sinh, góp sức xây dựng trường học hạnh phúc.

Vậy nên, cần lắm những hình ảnh đẹp, những hình thức giáo dục hiệu quả, thực tế để câu chuyện bạo lực học đường sớm dừng lại, trả lại môi trường giáo dục trong lành cho những người chủ tương lai của đất nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn