MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vụ "bán chui" 74,8 triệu cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết bị vỡ lở từng gây ra hệ lụy giảm sàn của hàng loạt cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Ảnh: Thế Lâm.

Vì sao đại gia giàu sụ vẫn “bán chui”, thao túng thị trường chứng khoán?

Thế Lâm LDO | 11/04/2022 14:28

Đại gia “bán chui” cổ phiếu xảy ra đã nhiều vụ, đại gia có hành vi thao túng thị trường chứng khoán cũng diễn ra không ít, mối quan hệ ở đây chính là nhân - quả “lòng tham – sai phạm”.

Trịnh Văn Quyết và một số đối tượng đã bị khởi tố, bắt giam vì bị cáo buộc có hành vi thao túng thị trường chứng khoán.  

Cụ thể, mã cổ phiếu bị thao túng để thổi giá chính là FLC của doanh nghiệp mà ông Quyết giữ chức vụ chủ tịch. Cùng với một số đối tượng và người thân, ông Quyết thực hiện hành vi thao túng từ tháng 12.2021 đến phiên giao dịch ngày 10.1.2022, thời điểm ông Quyết “bán chui” 74,8 triệu cổ phiếu FLC.

Vụ việc nếu trót lọt, ông này có thể thu lợi bất chính đến hơn 530 tỉ đồng. Tuy nhiên, trước phản ứng dữ dội của dư luận, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chỉ đạo Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) hủy thương vụ. Gần đây, ông Quyết đã bị khởi tố bắt giam vì hành vi thao túng thị trường chứng khoán.

Như vậy, câu hỏi vì sao là một đại gia giàu sụ như ông Quyết, hay một số đối tượng khác cũng thuộc loại đại gia từng bị xử lý vì cùng hành vi sai phạm, lại “thích”, muốn hoặc tìm đủ mọi cách để thao túng thị trường chứng khoán?

Con số hơn 530 tỉ đồng đã có thể trả lời phần nào cho câu hỏi trên.

Thứ nhất, dù giàu sụ nhưng tham, bị lòng tham thúc đẩy kiếm lợi, làm giàu bất chính, bất chấp việc sử dụng đến hành vi vi phạm pháp luật.

Thứ hai, các chế tài đối với những hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán nói chung và thao túng thị trường chứng khoán nói riêng hiện chưa đủ mạnh và nghiêm. Một số đại gia hoàn toàn có thể “cân đối” giữa thiệt (mức xử lý hành chính phạt tiền) và lợi (thu lợi hàng chục, hàng trăm tỉ đồng) để tung ra chiêu trò thu lợi bất chính.

Thứ ba, một mặt nào đó, những vụ từng bị xử lý phạt hành chính mức vài chục triệu đồng, tính ra việc cố tình vi phạm để thu lợi bất chính khá là dễ dàng.

Ngay cả vụ “bán chui” 74,8 triệu cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết,  mức phạt tối đa áp dụng theo luật định cũng chỉ 1,5 tỉ đồng (gần đây Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trịnh Văn Quyết, sau khi ông này bị bắt tạm giam). Và vụ vi phạm của ông này cũng là trường hợp hiếm hoi từ trước tới nay bị hủy quyết định xử phạt vi phạm hành chính sau khi bị khởi tố bắt giam.

Chỉ cần trong khoảng thời gian 1-2 tháng, hành vi thao túng thị trường chứng khoán có thể giúp thu lợi bất chính hàng trăm tỉ đồng. Đó là chưa kể, hành vi thao túng thường không chỉ được thực hiện trên 1 tài khoản, và một người, mà còn trên nhiều tài khoản, từ nhiều người, do đó mức thu lợi bất chính còn lớn hơn nhiều so với con số 530 tỉ đồng.

Khó có hoạt động kinh doanh nào có thể thu lợi nhanh và khủng được như vậy!

Dư luận thị trường thường hay đề cập đến các lái bự, “cá mập” là có ý đề cập đến những người và nhóm nhà đầu tư mạnh vốn có thể lèo lái một số mã cổ phiếu trên thị trường theo ý đồ của mình. Hay nói đúng hơn, đó là những dấu hiệu của hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, số vụ việc bị dư luận thị trường nghi vấn thì rất nhiều, nhưng số vụ bị phanh phui, xử lý thì còn khá ít.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn