MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vì sao Giám đốc chi nhánh “tố” công ty “quỵt” tiền lương?

QUÁCH DU LDO | 19/09/2020 18:05
Theo ông Lộc, mặc dù đã ký hợp đồng lao động với phía công ty, tuy nhiên, công ty này “bỗng” chấm dứt hợp đồng và không trả tiền lương.

Giám đốc vùng tố bị “quỵt” tiền lương

Vừa qua Báo Lao Động nhận được đơn khiếu nại của ông Phạm Quang Lộc (SN 1957, trú tại số 208, phường Hưng Lợi, TP. Cần Thơ) về việc Công ty Cổ phần Thương mại Nông nghiệp và Phân bón hữu cơ INARI (gọi tắt là Công ty INARI), có địa chỉ tại số 02/18, đường Nguyễn Trinh Tiếp, phường Ba Đình, TP. Thanh Hóa đã không trả tiền lương cho ông, trong thời gian ông làm việc cho công ty.

Đơn khiếu nại của ông Lộc về việc bị “quỵt” tiền lương. Ảnh: Q.D

Cụ thể, đơn khiếu nại của ông Lộc nêu: vào ngày 18.3.2020, giữa ông và Công ty INARI (người đại diện là ông Trịnh Đức Tâm – chức vụ Giám đốc) có ký kết hợp đồng lao động với thời hạn 1 năm (đến 18.3.2021). Chức danh là Giám đốc vùng Cần Thơ với nhiệm vụ lên kế hoạch xúc tiến kinh doanh, giao tiếp khách hàng, ký kết hợp đồng và kinh doanh có hiệu quả.

Mức lương ông Lộc được hưởng là 15 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, ông Lộc được hưởng thêm phụ cấp gồm: 3 triệu đồng tiền xăng xe, điện thoại; 2 triệu đồng tiền trách nhiệm, 2 triệu đồng tiền thuê xe đi công tác.

Một số điều khoản, tiền lương ghi trong hợp đồng lao động. Ảnh: Q.D

Về phía Công ty có nghĩa vụ đảm bảo việc làm và thực hiện đầy đủ những điều đã cam kết trong hợp đồng, thanh toán đầy đủ, đúng thời hạn các chế độ và quyền lợi cho người lao động theo hợp đồng, thỏa ước lao động tập thể (nếu có).

Công ty có quyền, điều hành người lao động hoàn thành công việc theo hợp đồng. Tạm hoãn, chấm dứt hợp đồng lao động, kỷ luật người lao động theo quy định pháp luật và nội quy của công ty.

Theo ông Lộc, sau khi ký kết hợp đồng trên, ông đã bắt tay vào làm việc. Đến ngày 31.3.2020, ông nhận được thông báo của công ty là, ngày 1.4.2020 tạm nghỉ việc (do dịch bệnh COVID-19) và chờ thông tiếp theo. Hơn 1 tháng sau, ngày 4.5.2020, công ty có thông báo đi làm lại. Đến ngày 15.5.2020, ông bị Công ty INARI chấm dứt hợp đồng lao động với lý do, không đảm bảo doanh số công ty đề ra.

Sau khi bị chấm dứt hợp đồng lao động, ông đã nhiều lần gửi kiến nghị đến công ty này. Tuy nhiên, đến này ông chưa nhận được bất kể phản hồi nào, cũng như tiền lương hoặc phụ cấp từ Công ty INARI.

Công ty nói gì?

Trao đổi sự việc trên với PV Báo Lao Động, ông Trịnh Đức Tâm – Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Nông nghiệp và Phân bón hữu cơ INARI cho biết, ông chưa hề gặp ông Phạm Quang Lộc lần nào, mà chỉ là vừa qua công ty mở rộng thị trường và có ký thư mời việc cộng tác với ông Lộc. Tuy nhiên, sau khi ký, ông Lộc chưa triển khai được kế hoạch gì cho công ty.

Bản hợp đồng ký kết giữa ông Lộc và Công ty INARI. Ảnh: Q.D

“Phía Công ty và ông Lộc chưa có một hợp tác gì. Trong khi đó, ông Lộc đã gửi đơn khiếu nại đi nhiều nơi, sau đó, công ty đã có thư gửi đến Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa để nói rõ sự việc. Công ty cũng sẵn sàng mời ông Lộc ra công ty để làm rõ vấn đề” – ông Tâm nói.

Ông Mai Xuân Khôi – Phó Chánh thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa cho biết, sau khi tiếp nhận đơn thư của ông Phạm Quang Lộc, sở đã yêu cầu Công ty INARI báo cáo sự việc và đã có công văn trả lời ông Lộc.

“Về câu chuyện ký kết giữa ông Lộc và Công ty INARI là chưa rõ ràng và ông Lộc nên ra công ty này để phối hợp làm rõ các vấn đề”- ông Khôi nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn