MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thuế VAT đối với dịch vụ xe công nghệ tăng lên 10% từ ngày 5.12.2020. Ảnh: Diệu Tiên.

Vì sao Grab không muốn dính vào việc thu hộ thuế từ tài xế?

Diệu Tiên LDO | 11/12/2020 14:39

Câu chuyện tăng thuế VAT lên 10% đối với dịch vụ xe công nghệ và mối quan hệ giữa Grab với đối tác tài xế vẫn đang tiếp tục nóng chưa thể lắng xuống.

Sau 2 cuộc họp, gặp gỡ trao đổi giữa Grab với đại diện ngành thuế cũng như Grab với đại diện các tài xế, mọi chuyện vẫn chưa thể đi đến thống nhất để khép lại.

Phía Grab thì cho rằng, họ vẫn tuân thủ các qui định trong đó có mức thuế VAT tăng lên 10%. Song vấn đề là cách thu. Grab đóng thuế cho chính Grab, nhưng việc phải thu hộ tiền thuế từ phía tài xế có hợp lí hay không là điều tranh cãi.

Grab cho rằng theo một số qui định hiện hành, các tài xế Grab đóng các loại thuế theo phương thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh cá thể. Theo logic đó, tài xế sẽ tự kê khai các khoản thuế phải có nghĩa vụ đóng cho nhà nước.

Thực ra chẳng phải Grab mà ngay cả Go-Viet trước đây (nay đổi tên thành Go-Jek), việc thu hộ thuế vẫn thường bị “dính chưởng” hiểu lầm sang thành “tăng chiết khấu”, trong khi về bản chất hai khái niệm này rất khác nhau.

Bởi chiết khấu trong mối quan hệ này là tỉ lệ ăn chia giữa Grab và đối tác tài xế (sau khi thực hiện nghĩa vụ thuế VAT) trong đó gồm cả các loại phí Grab thu từ tài xế và người tiêu dùng.

Còn khấu trừ thuế, là việc Grab phải trừ khoản thuế từ doanh thu cuốc xe đối với thuế VAT, và thu nhập của tài xế (thuế thu nhập cá nhân, được thu theo phương thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh cá thể), những khoản thu hộ này sau đó được Grab đóng lại cho nhà nước.

Tuy nhiên lâu nay, giới tài xế có không ít hiểu lầm và ngờ vực, thứ nhất cho rằng đó là “tăng chiết khấu”, thứ hai là “Grab có khai thuế và đóng lại cho nhà nước hay không”… Từ đó, về mặt dư luận Grab có thể ít nhiều bị điều tiếng. Chính vì vậy, Grab cũng như các ứng dụng đặt xe nói chung, nếu thoát được trách nhiệm thu hộ này thì sẽ nhẹ gánh và cũng tránh được điều tiếng.

Tuy nhiên, với ràng buộc từ một số văn bản của Bộ Tài chính và ngành thuế, Grab cũng như một số ứng dụng đặt xe hiện không thể thoái thác được trách nhiệm thu hộ. Bởi có một thực tế là, nếu Grab cũng như các ứng dụng đặt xe khác không thu hộ, thì rất khó có phương án thu nào khả thi và triệt để hơn.

Giới tài xế xe công nghệ hiện được cho rằng trên 500.000 người, do đó việc kiểm tra, giám sát thực hiện nghĩa vụ thuế cũng rất phức tạp, nếu không muốn nói là khả năng thất thu thuế sẽ rất cao nếu để mỗi tài xế tự ý thức khai thuế, nộp thuế.

Chính vì thế, việc Grab chưa hoàn toàn tâm phục với việc bị giao trách nhiệm thu hộ cũng một phần do các văn bản “giao trách nhiệm” còn thiếu rõ ràng. Nếu giao cho “đầu mối cung cấp dịch vụ” thì có thể hiểu ở đây gồm Grab và cả tài xế. Và tài xế cũng là đầu mối thu tiền nếu hành khách trả cước phí trực tiếp bằng tiền mặt.

Như vậy, một cách xác đáng hơn, Grab chính là đầu mối hạch toán các nguồn thu, thu nhập từ việc cung cấp dịch vụ, cho dù khoản thu đó được tài xế nhận trực tiếp từ khách hàng trả bằng tiền mặt.

Sự tranh cãi từ trường hợp Grab đang xảy ra cũng cho thấy một vấn đề, là hành lang pháp lí xung quanh các mô hình kinh doanh mới cho đến nay vẫn còn thiếu, chưa hoàn thiện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn