MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà mạng chưa tạo ra các giải pháp thuận tiện để người dùng chủ động báo cáo các số điện thoại phát tán cuộc gọi rác. Ảnh: Thế Lâm.

Vì sao người dùng còn ít phản hồi nhà mạng về cuộc gọi rác?

Thế Lâm LDO | 09/10/2020 18:58
Tỉ lệ thuê bao phối hợp để xác thực cuộc gọi rác chỉ đạt từ 5-7%. Có nghĩa là, nhà mạng gửi đi 100 tin nhắn yêu cầu xác thực, chỉ có từ 5-7 thuê bao phản hồi.

Qui trình ngăn chặn cuộc gọi rác, tin nhắn rác của phía nhà mạng gồm 4 bước. Trong đó, bước đầu tiên chính là xác định các số điện thoại/thuê bao nghi phát tán cuộc gọi rác, tin nhắn rác. Trong bước này, nhà mạng sẽ gửi tin nhắn đến các thuê bao di động yêu cầu xác thực như đề cập ở trên.

Bước 2, nhà mạng sẽ tiến hành xác minh lại xem các số điện thoại bị nghi có thực sự đã phát tán tin nhắn rác và cuộc gọi rác hay không. Bước 3 là tiến hành ngăn chặn. Bước 4 là chăm sóc khách hàng và xử lí khiếu nại.

Tuy nhiên, khi bước 1 có tỉ lệ phản hồi thấp thì các nhà mạng cũng bị hạn chế thông tin để có thể tiến hành các bước tiếp theo, từ đó có thể ảnh hưởng đến hiệu quả ngăn chặn tình trạng cuộc gọi rác và tin nhắn rác.

Thế nhưng nếu xét trên tình hình thực tế, tỉ lệ người dân phản hồi các tin nhắn yêu cầu xác thực cuộc gọi rác/tin nhắn rác còn thấp không hẳn chỉ có lỗi từ phía người dùng di động.

Người viết bài này, mỗi ngày nhận được hàng chục cuộc gọi rác từ các số thuê bao mạng MobiFone, VinaPhone, gọi đến mời mua, rao bán căn hộ, đất nền, chứng khoán quốc tế…, tuy nhiên lại chưa hề nhận được tin nhắn nào từ phía nhà mạng yêu cầu xác thực các số điện thoại thực hiện telesale kia có phải đang phát tán cuộc gọi rác hay không.

Tiếp nữa, tin nhắn yêu cầu xác thực cuộc gọi rác được gửi từ phía nhà mạng là dạng tin nhắn USSD tương tác nhanh, khi hiện lên trên màn hình smartphone, người dùng lỡ tay chạm vào màn hình mà chưa kịp đọc hay phản hồi, thì tin nhắn đã tự động biến mất.

Thêm tình huống nữa là, nếu muốn người dùng xác thực một cách nghiêm túc và chính xác chứ không phải xác thực bừa, thì đòi hỏi phải đối chiếu số điện thoại bị nghi phát tán cuộc gọi rác do nhà mạng đề cập với những số đã phát tán cuộc gọi rác được lưu trong điện thoại của người dùng. Nhưng phương thức xác thực USSD không thuận tiện cho việc thao tác tra cứu trên thiết bị, bởi khi người dùng thao tác tìm kiếm trong điện thoại thì tin nhắn USSD cũng đã biến mất, người dùng không thể phản hồi sau đó.

Hiện nay, ngoài phương thức yêu cầu xác thực qua tin nhắn USSD từ nhà mạng, có thể nói là còn những hạn chế và bất tiện cho người dùng, các nhà mạng cũng chưa đưa ra được giải pháp nào khác tối ưu hơn.

Giải pháp xác thực cuộc gọi rác qua tin nhắn USSD gửi từ nhà mạng đề cập đến một số điện thoại cụ thể bị nhà mạng nghi ngờ phát tán cuộc gọi rác. Tuy nhiên, số điện thoại bị nghi ngờ đó chưa chắc đã khớp với số điện thoại phát tán cuộc gọi rác đã gây phiền nhiễu đối với người dùng, vì thế rất dễ gây ra tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, không khớp được giữa hai bên.

Thêm nữa, giải pháp xác thực USSD cho thấy sự chủ động từ phía nhà mạng nhưng lại khiến người dùng bị động. Trên thực tế, người dùng di động đang thiếu một giải pháp được cung cấp từ các nhà mạng giúp họ chủ động báo cáo các số điện thoại phát tán tin nhắn rác/cuộc gọi rác.

Còn nếu thực hiện theo cách hiện nay, như trường hợp người viết bài này đã thử thực hiện, là gọi vào số tổng đài của nhà mạng để báo cáo, thì sẽ bị chuyển sang nhiều tầng nấc, bộ phận khác nhau mới đi đến được đúng bộ phận tiếp nhận thông tin cuộc gọi rác, rất bất tiện và gây mất nhiều thời gian.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn