MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tài xế xe công nghệ trong những ngày giá xăng leo thang. Ảnh: Thế Lâm.

Vì sao nhiều tài xế xe công nghệ “chán chạy” khi giá xăng tăng?

Thế Lâm LDO | 16/03/2022 06:11

Giá xăng tăng trong khoảng 2-3 tháng qua lên đến khoảng 25% của mức giá xấp xỉ 30.000 đồng/lít (A95) hiện tại khiến nhiều tài xế xe công nghệ chán nản, vì người thì ế khách, người thì tắt app để không nhận cuốc...

Nhận hộp đồ tôi gửi đi từ một chung cư trên Bến Vân Đồn thuộc Quận 4 (TPHCM) để chuyển đến một khu trung tâm thương mại ở Quận 1 với khoảng cách chừng 3km, tài xế GrabBike B.L.T phân trần: “Hai, ba tuần nay chạy chán lắm, giá xăng thì tăng liên tục và tăng mạnh, trong khi giá cước chỉ được tăng 500 đồng/km, chiết khấu thì cao, cho nên thu nhập tài xế giờ giảm mạnh…”.

Như để chứng minh, anh T. đưa cho tôi xem chiếc điện thoại đang mở giao diện ứng dụng của tài xế. Chuyến giao hàng tôi đặt có khoảng cách khoảng 3km với tổng tiền cước 25.000 đồng, nhưng tài xế T. chỉ còn nhận được từ Grab là 16.777 đồng, tương ứng khoảng 67%. Tính ra, mỗi km tài xế này giao hàng chỉ được hưởng hơn 5.590 đồng. Mức thu nhập trên  chưa trừ chi phí xăng nhớt hay tình huống hỏng hóc phương tiện phải tốn chi phí để sửa chữa.

Anh T. cho biết thêm: “Thực tế em chạy giao hàng 3km không phải tốn quá nhiều xăng, nhưng cũng phải cộng thêm khoảng cách chạy xe không đến điểm đón khách hoặc nhận hàng có khi dài 1-2km, cho nên lượng xăng tiêu hao sẽ tăng lên gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi”.

Chính vì thế, mỗi lít xăng, bình thường các tài xế chạy được từ 40-45km trong thành phố thì trong đó khoảng cách chạy xe không hao tốn xăng nhớt cũng chiếm ít nhất từ 20-30%.

Một tài xế của Gojek mà tôi tiếp xúc là anh Th.L. cho biết: “Giá xăng tăng nhưng nếu có nhiều cuốc xe thì tâm lý tài xế cũng không đến nỗi chán nản. Nhưng đằng này ngược lại, số cuốc xe trong vài tuần gần đây sụt giảm, nhiều anh em họ nản không muốn chạy nữa”.

Tài xế GrabBike L.T cho biết thêm trước khi phóng xe đi: “Đó là lý do nhiều tài xế tắt app để không nhận cuốc, vì chạy nắng nôi nhưng thu nhập không bõ công sức, nên anh em nản…".

Cước xe công nghệ tăng thì người tiêu dùng thêm gánh nặng, từ đó phải tính tới phương án tiết kiệm.

Như trường hợp chị Tuyết Mai (Quận 4, TPHCM), thay vì trước đây cứ mỗi cuốc xe Grab hay Gojek chị chuyển đi một món đồ cho đối tác, và mỗi ngày chị phải chuyển nhiều chuyến. Nay chị điều chỉnh, chờ tập hợp nhiều món gửi tới nhiều điểm bằng một cuốc xe, giúp giảm số chuyến và tiết kiệm được nhiều cước phí.

Còn chị Th.C (TP.Thủ Đức, TPHCM) cho biết, thay vì mức cước giao hàng phải chăng thì có thể chị gửi đi ngay như trước đây, nhưng từ khi xăng tăng giá và cước xe công nghệ (giao hàng bằng xe máy) tăng theo, đặc biệt là trong những giờ cao điểm, chị không gửi nữa mà chờ cuối tuần hay dịp nào tiện đi đâu đó tạt qua đưa luôn thể.

Việc đặt cuốc xe trong vài ngày trở lại đây cũng không còn hoàn toàn suôn sẻ như trước. Tối ngày 13.3, anh H. (Quận 1, TPHCM) đặt cuốc xe giao đồ ăn trên Grab, nhưng cả 3 lần chờ cuối cùng đều nhận được lệnh hủy từ phía ứng dụng.

Anh H, một tài xế Gojek mỗi ngày chạy được hơn 300.000 đồng, cho biết: “Có nhiều anh em ít cuốc, nản nên nghỉ sớm, cho nên nhiều thời điểm ít tài xế, vì vậy đặt cuốc khó hơn”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn