MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sinh viên Nguyễn Văn Nhã quên mình cứu bạn. Ảnh: VGP

Vì sao sinh viên Nguyễn Văn Nhã xứng đáng được công nhận là liệt sĩ?

Minh Bằng LDO | 03/05/2021 11:30

Sinh viên Nguyễn Văn Nhã - người đã quên mình cứu 3 bạn bị đuối nước tại bãi biển Phú Vang, Thừa Thiên Huế ngày 30.4 - vừa được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị xem xét công nhận là liệt sĩ.

Lâu nay, các quy định về việc phong tăng liệt sĩ thường được xem xét với các trường hợp hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế hoặc vì lợi ích của Nhà nước, của Nhân dân.

Trong thời bình, vẫn có ý kiến cho rằng: Việc cứu người đã được pháp luật quy định. Cụ thể việc cứu người là trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân theo quy định của Bộ luật Hình sự là Điều 132: Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

Năm 2020, Bộ LĐTBXH khi đề xuất sửa đổi Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng có đưa ra ý kiến: “Sửa đổi dự thảo Pháp lệnh theo hướng chỉ xem xét đối với những trường hợp chết do có hành động đặc biệt dũng cảm thực hiện các công việc đặc biệt nguy hiểm, cấp bách, để cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, Nhân dân; là những tấm gương, có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục và lan tỏa rộng rãi trong xã hội. Những trường hợp khác hướng chuyển sang khen thưởng theo pháp luật thi đua khen thưởng (Huy chương, Huân chương) và thực hiện trợ cấp mai táng hoặc hưởng chính sách tử tuất theo Luật Bảo hiểm xã hội”.

Theo Pháp lệnh 26/2005/PL-UBTVQH11 thì một trong các trường hợp được công nhân liệt sĩ là: “Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh; dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân”.

Tại Pháp lệnh sửa đổi (có hiệu lực từ 1.7.2021), điều kiện công nhận liệt sĩ có thêm hai từ “đặc biệt”: “Đặc biệt dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của Nhân dân hoặc ngăn chặn, bắt giữ người có hành vi phạm tội, là tấm gương có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục, lan tỏa rộng rãi trong xã hội” (điểm k, điều 14).

Ngoài ra, Nghị định 31/2013/NĐ-CP năm 2013 trong khoản e điều 17 về điều kiện xác nhận liệt sĩ: “Dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân”.

Căn cứ các điều kiện trên, sinh viên Nguyễn Văn Nhã xứng đáng được công nhận là liệt sĩ.

Năm 2019, cũng đã có trường hợp tương tự được phong là liệt sĩ. Đó là Hoàng Đức Hải- sinh năm 1996 quê ở Tĩnh Gia, Thanh Hoá là sinh viên năm thứ tư khoa Điện, trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp Hà Nội. Ngày 8.2.2018, chị Lê Thị Loan (giáo viên trường THCS xã Hải Châu, Tĩnh Gia, Thanh Hóa) cùng hai con gái ra sông Ghép thả cá. Do trượt chân, cả ba mẹ con bị đuối nước. Thấy có người kêu cứu, nam sinh Hoàng Đức Hải lúc đó cũng đi thả cá gần đó đã lao ra cứu được mẹ con chị Loan vào bờ an toàn. Em sau đó kiệt sức do lạnh cóng nên bị nước cuốn, tử nạn.

Ngày 17.7.2019, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi đó là Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận Hoàng Đức Hải là liệt sĩ.

Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng quy định Điều kiện công nhận liệt sĩ

1. Người đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế hoặc vì lợi ích của Nhà nước, của Nhân dân thì được cơ quan có thẩm quyền xem xét công nhận là liệt sĩ khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Chiến đấu hoặc trực tiếp phục vụ chiến đấu để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia;

b) Làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong địa bàn địch chiếm đóng, địa bàn có chiến sự, địa bàn tiếp giáp vùng địch chiếm đóng;

c) Trực tiếp đấu tranh chính trị, đấu tranh binh vận có tổ chức với địch;

d) Hoạt động hoặc tham gia hoạt động cách mạng, kháng chiến bị địch bắt, tra tấn vẫn không chịu khuất phục, kiên quyết đấu tranh hoặc thực hiện chủ trương vượt tù, vượt ngục mà hy sinh;

đ) Làm nghĩa vụ quốc tế;

e) Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh;

g) Trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, diễn tập hoặc làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm;

h) Do ốm đau, tai nạn không thể cứu chữa kịp thời khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo có điều kiện đặc biệt khó khăn theo danh mục do Chính phủ quy định;

i) Trực tiếp làm nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm;

k) Đặc biệt dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của Nhân dân hoặc ngăn chặn, bắt giữ người có hành vi phạm tội, là tấm gương có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục, lan tỏa rộng rãi trong xã hội;

l) Do vết thương tái phát là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 23 của Pháp lệnh này có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên, có bệnh án điều trị yết thương tái phát của bệnh viện tuyến huyện trở lên và biên bản kiểm thảo tử vong;

m) Mất tích trong trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, i và k khoản này và được cơ quan có thẩm quyền kết luận không phản bội; đầu hàng, chiêu hồi, đào ngũ.

2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn