MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
"Cò" bán giấy khám sức khỏe trên đường Hồ Tùng Mậu (Hà Nội). Ảnh: Vương Hoa

Vì sao tình trạng sử dụng giấy tờ, tài liệu giả vẫn tràn lan?

Quốc Dũng LDO | 23/05/2017 11:05
Tình trạng làm giấy tờ, tài liệu giả hiện nay đã đến mức báo động. Người ta có thể làm giả từ bằng cấp, chứng chỉ, giấy khám sức khỏe, giấy phép xây dựng, giấy phép lái xe, thậm chí các đối tượng còn làm giả hồ sơ, tài liệu để được tặng thưởng các danh hiệu vinh dự của Nhà nước.
Điều 267, Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định như sau: Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 4 năm đến 7 năm.

Dư luận cho rằng, mức hình phạt này chưa tương xứng với mức độ, hành vi phạm tội, chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa đối với loại tội phạm này. Trên thực tế, việc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả để lừa đảo cơ quan, tổ chức hoặc công dân gây thiệt hại rất lớn; thậm chí, có trường hợp gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng, nhất là đối với các giao dịch mua bán nhà, đất, thế chấp vay vốn tín dụng... Chính vì mang lại nguồn lợi lớn, trong khi mức hình phạt còn khá nhẹ, không đủ sức răn đe nên nhiều đối tượng vẫn ngang nhiên làm giả giấy tờ, tài liệu để lừa đảo, trục lợi.

Bên cạnh đó, việc sử dụng giấy tờ, bằng cấp giả, cá biệt có cả đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước ngày càng tăng. Cùng với đó, theo nguyên tắc “có cung, ắt có cầu”, vì thế nếu không xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sử dụng giấy tờ, bằng cấp giả sẽ làm cho tình trạng này càng thêm trầm trọng hơn.

Mặt khác, việc quản lý các loại phôi giấy tờ, bằng cấp ở một số nơi còn khá lỏng lẻo, tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng để vi phạm pháp luật, trục lợi. Điển hình là có địa phương cán bộ phòng tài nguyên môi trường lấy hàng trăm phôi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thật và giả chữ ký đóng dấu cấp cho người dân để bỏ túi khoản tiền lớn trong thời gian dài mà không phát hiện được.

Ngoài ra, đối với một số lĩnh vực, thủ tục không cần thiết, nên hạn chế buộc người dân, cán bộ, công chức phải nộp giấy tờ. Ví dụ, rất nhiều thủ tục bắt buộc phải nộp giấy khám sức khỏe như nghỉ thai sản muốn đi làm sớm, đi học, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ… Điều này góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí xã hội, tiết kiệm thời gian đi lại của người dân, vừa thu hẹp “đất sống” đối với những đối tượng chuyên làm giả giấy tờ, tài liệu để trục lợi.

Có như vậy mới hạn chế tiến tới dẹp bỏ nạn làm và sử dụng giấy tờ, tài liệu giả đang diễn ra rất nghiêm trọng, phổ biến hiện nay. Điều này góp phần đảm bảo công bằng xã hội, thượng tôn pháp luật, khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân đầu tư nghiên cứu, sáng tạo, giúp bảo vệ tốt hơn tài sản của công dân, tổ chức.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn