MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các video "Skibidi Toilet", theo nhiều phụ huynh là mất vệ sinh, bạo lực, độc hại. Ảnh chụp màn hình YouTube.

Video "Skibidi Toilet" ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em

Mạnh Cường LDO | 09/10/2023 20:10

Gắn nhãn dán For Kids (dành cho trẻ em) nên những video nội dung "Skibidi Toilet" được lan truyền rộng rãi đến các đối tượng này. Tuy nhiên, nội dung bên trong lại mang đậm tính bạo lực, độc hại, ảnh hưởng đến tâm sinh lý và cuộc sống hàng ngày của trẻ.

"Skibidi Toilet" được xem là một series phim hài, kinh dị nói về cuộc chiến của Skibidi Toilet phát trên nền tảng YouTube.

Chị Nguyễn Thị Thu (24 tuổi, Nam Định) cho biết: "Bây giờ cứ khi nào được dùng điện thoại của mẹ, con tôi (6 tuổi) lại mở video "Skibidi Toilet" lên xem. Cháu chẳng cần phải tìm kiếm, các video "Skibidi Toilet" luôn được YouTube đề xuất mỗi khi mở ứng dụng" - chị Thu nói.

Ban đầu, chị Thu cũng không để ý nhưng khi ngồi xem hết video, chị Thu cho biết thực sự sốc và lo lắng.

Các video "Skibidi Toilet" đều mô tả hình ảnh một chiếc đầu người mọc ra từ bồn cầu rất mất vệ sinh. Gần đây, nội dung trong video còn có rất nhiều cảnh bạo lực, thậm chí cả máu me.

Sau khi hỏi, chị Thu được biết con đã theo dõi video này được gần 1 tháng này. Âm thanh vui nhộn, hình ảnh hoạt họa bắt mắt và các hành động kỳ dị khiến con rất thích thú. Theo chị Thu, đây chính là căn nguyên cho các hiện tượng lắc đầu (hoạt động trong video) của con khi hàng ngày hoặc lúc ngủ mơ.

“Rất nhiều lần tôi thấy con thường xuyên lắc đầu một cách vô tri. Không những thế, đôi khi gặp bạn bè, con còn thường xuyên nói lớn cụm từ "Skibidi Toilet" với vẻ mặt khá hung hăng giống như trong video” - chị Thu quan ngại.

Theo ghi nhận, các hội nhóm Facebook cũng thảo luận về vấn đề này, nhiều phụ huynh tỏ ra vô cùng lo lắng và bức xúc.

Phụ huynh có nickname Ngọc Kiều chia sẻ: “Lúc nào con tôi cũng nhại đi nhại lại 3 từ "ma bồn cầu”".

Phụ huynh có nickname Thơm Hoài kể: “Con tôi cũng hay xem, suốt ngày vào nhà vệ sinh rồi ngóc mặt lên cho giống "Skibidi Toilet", dù có cấm bao nhiêu lần con vẫn coi”.

Thậm chí, video "Skibidi toilet" còn vô tình khiến trẻ sợ hãi khi đi vệ sinh, phụ huynh có nickname An Phạm chia sẻ: “Từ khi xem các video "Skibidi Toilet", con tôi không dám vào nhà vệ sinh nữa, toàn bắt mẹ lấy bô để đi”.

Ngay khi biết con đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các video "Skibidi Toilet", chị Thu đã lập tức lấy điện thoại gắn cờ cảnh báo và báo cáo với YouTube không được đề xuất tiếp. Tuy nhiên, rất nhiều kênh khác đang làm video theo trào lưu này nên chị Thu không thể cấm triệt để, thường xuyên phải báo cáo rất mệt mỏi.

Sau nhiều lần tìm hiểu các bí quyết trên internet, chị Thu đã quyết định gỡ ứng dụng YouTube sẵn có trên điện thoại. Thay vào đó, chị tải xuống ứng dụng YouTube Kids để con học hỏi. Theo chị Thu, ứng dụng này có khả năng lọc các video bạo lực, độc hại tốt hơn nhiều so với ứng dụng YouTube gốc.

Qua tình huống lần này, chị Thu đã dành thời gian quan tâm hơn đến con cái, nhất là các thông tin con tiếp cận trên internet mỗi ngày. Đồng thời, chị cũng kiểm tra điện thoại, tivi thường xuyên để biết con đã xem, truy cập những gì, từ đó giới hạn thời gian xem, ngăn chặn kịp thời các nội dung xấu, độc hại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn