MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện nay, việc quản lý tiền công đức tại các đền chùa, di tích trên địa bàn tỉnh Ninh Bình vẫn chưa có cơ chế cụ thể. Ảnh: Nguyễn Trường

Việc tiếp nhận, sử dụng tiền công đức tại các đền chùa ở Ninh Bình vẫn chưa công khai

NGUYỄN TRƯỜNG LDO | 20/02/2024 18:27

Ninh Bình - Tiền công đức hay thường gọi là tiền giọt dầu ở các chùa, đền và các di tích, tín ngưỡng văn hóa là sự thành tâm của phật tử, người dân, du khách. Tuy nhiên, cơ bản đến nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình chưa có cơ chế cụ thể về việc quản lý loại tiền công đức này.

Theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, hiện nay, tại hầu hết các đền, chùa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đều cho đặt các hòm công đức. Tại các đền, chùa lớn như chùa Bái Đính vào dịp khai hội đầu năm mới, mỗi ngày có hàng nghìn du khách thập phương tới tham quan vãn cảnh chùa. Khách thập phương ít nhiều đều có chút tiền công đức, gọi là “tiền giọt dầu”. Ban quản lý chùa phải bố trí nhân viên ngồi ở bàn để ghi chép tiền công đức của người dân và du khách.

Ban Quản lý chùa Bái Đính bố trí nhân viên ngồi tại bàn để tiếp nhận và ghi chép tiền công đức. Ảnh: Nguyễn Trường

Theo đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Ninh Bình, hiện trên địa bàn tỉnh có 1.821 di tích được kiểm kê, thuộc nhiều loại hình khác nhau, trong đó có 314 di tích cấp tỉnh, 78 di tích cấp quốc gia, 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt và 1 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh Ninh Bình đã chi hơn 132 tỉ đồng từ ngân sách để hỗ trợ tu bổ chống xuống cấp đối với 99 di tích.

“Lâu nay, việc quản lý, sử dụng tiền công đức tại các đền, chùa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đều do các ban quản lý đền, chùa tự quản lý và sử dụng. Chúng tôi chỉ quản lý về mặt chuyên môn. Riêng có duy nhất Di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư là đơn vị trực thuộc của sở. Việc tiếp nhận và sử dụng tiền công đức ở đây được tiếp nhận và sử dụng một cách công khai, minh bạch" - đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Ninh Bình cho hay.

Ngày 20.2, trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Đức Thăng - Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Ninh Bình - cho biết, hiện nay, việc quản lý tiền công đức tại các đền chùa, di tích trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có cơ chế cụ thể. Chủ yếu là do các ban quản lý ở các đền chùa, di tích tự quản lý và sử dụng.

Cũng theo ông Thăng, thực hiện theo văn bản số 11752/BTC-HCSN ngày 30.10.2023 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn kiểm tra việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa. UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành quyết định về việc kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hoá trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Việc tiếp nhận và sử dụng tiền công đức tại các đền chùa ở Ninh Bình vẫn là câu chuyện bí mật. Ảnh: Nguyễn Trường

Theo đó, UBND tỉnh Ninh Bình giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Nội vụ, Sở Du lịch tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích trên địa bàn tỉnh.

Nội dung kiểm tra tập trung vào việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội; xem xét việc mở tài khoản, mở sổ sách ghi chép số thu, chi tiền công đức, tài trợ, nội dung sử dụng tiền công đức, tài trợ và giám sát việc tiếp nhận, kiểm đếm, sử dụng tiền công đức, tài trợ tại các di tích.

"Việc kiểm tra được giao cho các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh thực hiện và gửi về Sở Tài chính trong tháng 3 này để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh Ninh Bình. Riêng đối với Di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư thì tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan của địa phương để thực hiện kiểm tra và đã hoàn thành" - ông Thăng cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn