MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhân viên y tế trường học lo lắng không biết có bị đứng ngoài chính sách mới của ngành Giáo dục hay không. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Viên chức Y tế trường học được tuyển sau 15.2.2023 sẽ ra sao?

HẠNH AN LDO | 05/12/2023 10:37

Nhân viên Y tế trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái được trúng tuyển vào viên chức sự nghiệp sau ngày 15.2.2023 đã gửi tâm thư đến Báo Lao Động vào ngày 4.12.

Quay cuồng trong công việc

Chị Nguyễn Thị Tư (tên nhân vật đã được thay đổi) đã có thời gian làm nhân viên Y tế trường học lâu năm trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Song, đến tháng 4.2023, chị mới chính thức trở thành viên chức Y tế trường học.

Trong thư, chị Tư tâm sự, Y tế trường học là một nhiệm vụ rất quan trọng và nặng nề, đòi hỏi phải có trách nhiệm cao với công việc và không thể để xảy ra sai sót vì liên quan đến tính mạng, sức khỏe của con người.

Hiện nay, hầu hết các trường đều có số lượng từ 200- 2.400 học sinh, nhân viên Y tế trường học phải thực hiện công việc từ 6 giờ 30 đến 17 giờ 30 phút hàng ngày.

Tại các cơ sở giáo dục có tổ chức bán trú, họ phải đến sớm để tiếp nhận thực phẩm, thực hiện kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn theo quy định đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của ngành Y; phải cân đo, theo dõi biểu đồ tăng trưởng, chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể) của học sinh để xây dựng và thay đổi phương án đảm bảo dinh dưỡng phù hợp nhất cho sự phát triển cho các em. Đối với trường dân tộc nội trú, nhân viên Y tế phải ở lại cùng học sinh đến nửa đêm khi học sinh đau ốm để theo dõi.

Không chỉ vậy, công tác thu và lập hồ sơ Bảo hiểm y tế học sinh, phòng chống dịch bệnh; phòng chống bệnh học đường; phòng chống xâm hại tình dục trẻ em; phòng chống bạo lực học đường; phòng chống HIV/AIDS, chăm sóc sức khỏe tâm thần, tư vấn tâm lý... hỗ trợ học sinh có những biểu hiện bất thường về tâm lý; phát hiện sớm các dấu hiệu của trẻ tự kỷ để phối hợp cùng gia đình và các cơ sở y tế can thiệp kịp thời cũng phải được chú trọng.

"Hàng ngày, một nhân viên y tế quay cuồng trong công việc với hàng trăm em học sinh như thế, chúng tôi đau ốm không dám xin nghỉ phép vì sợ học sinh xảy ra tai nạn, thương tích, ngộ độc thực phẩm không có mặt để sơ cứu kịp thời. Công việc thường nhật của một nhân viên y tế nhiều vô kể, chúng tôi vẫn thầm lặng cống hiến..." - chị Tư giãi bày.

Lo lắng bị "bỏ rơi"

Ngoài ra, trong đại dịch COVID-19, nhân viên Y tế trường học cũng được điều động lên tuyến đầu chống dịch: Làm nhiệm vụ kiểm soát y tế tại các chốt đóng trên địa bàn tỉnh Yên Bái theo sự phân công của cấp lãnh đạo; thành viên của Tổ y tế lưu động, trực ở khu cách ly hàng tháng không được về nhà, là một nhân viên y tế tham gia tiêm chủng vaccine COVID-19, không kể ngày, đêm túc trực lấy mẫu xét nghiệm dịch COVID-19...

Đầu năm 2023, UBND tỉnh Yên Bái và UBND các huyện trên địa bàn tỉnh Yên Bái mở đợt tuyển dụng viên chức, nhiều nhân viên Y tế trường học tham dự thi tuyển như các ngành khác, được nhận Quyết định trúng tuyển, bổ nhiệm viên chức. "Không gì có thể diễn tả được niềm vui, niềm hạnh phúc của chúng tôi lúc được cầm quyết định trên tay" - chị Tư bày tỏ.

Nhưng mới đây, Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư số 19 và Thông tư số 20 hướng dẫn về vị trí việc làm cấp mầm non và phổ thông, trong đó vị trí việc làm y tế học đường được xếp vào danh mục hỗ trợ, phục vụ và thực hiện theo chế độ hợp đồng lao động.

Chị Tư bày tỏ bức xúc khi "bị bỏ rơi" khỏi ngoài 2 Thông tư trên. Đồng thời mong muốn được xem xét sắp xếp vị trí việc làm tương xứng với trình độ chuyên môn.

"Chúng tôi thật sự rất thiệt thòi khi nhiều năm đèn sách lại sắp xếp cùng nhóm vị trí việc làm lao động phổ thông không yêu cầu bằng cấp chuyên môn" - tâm thư nêu rõ.

Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với PV Báo Lao Động, TS Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục cho biết, Thông tư số 19, Thông tư số 20 của Bộ GDĐT đã quy định điều khoản chuyển tiếp để bảo quyền lợi cho đội ngũ nhân viên y tế trường học đã được tuyển dụng trước ngày 15.2.2023.

Tuy nhiên, đội ngũ nhân viên y tế trường học tuyển mới sau ngày 15.2.2023 (thời điểm Thông tư số 12 có hiệu lực) phải thực hiện theo chế độ hợp đồng lao động, gây khó khăn, tâm lý không ổn định cho đội ngũ này trong trường học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tiếp tục đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, điều chỉnh vị trí “y tế học đường” từ danh mục hỗ trợ, phục vụ sang danh mục vị trí việc làm chuyên môn dùng chung để bảo đảm chế độ, chính sách cho đội ngũ này khi tuyển dụng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn