MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vlog TNT từng thả dao cả bó nhọn hoắt từ nhà tầng cao hàng chục mét xuống cắm vào miếng thịt bò, clip gây phẫn nộ trong cộng đồng mạng xã hội một thời gian dài.

Vlog Việt và tệ nạn “móc mắt kiếm view”

Thế Lâm LDO | 13/09/2020 06:28
Vlog nấu nồi cháo gà nguyên lông, ăn thịt lợn sống “kiểu Tây Bắc” (đã bị phản bác), ăn phân bò non (pịa bò). Những Vlog như thể chỉ nhằm “móc mắt kiếm view”.

“Móc mắt kiếm view”, một thành ngữ mới của thời Vlog, hay cụ thể hơn là thời YouTube thịnh hành, với nhiều người lập kênh, làm nội dung kiếm tiền.

Muốn kiếm được nhiều tiền thì phải có nhiều view (lượt xem). Và muốn có nhiều view, thay vì tìm tòi, sáng tạo những nội dung độc đáo, thú vị, lấy được lượt xem và tạo ra giá trị cho đời sống xã hội và cả giải trí, thì nhiều Vloggers/YouTubers không từ cả các chiêu thức “móc mắt kiếm view”.

Đó là cố làm sao bằng mọi cách, mọi giá để câu view, từ việc thả dao cả bó nhọn hoắt từ nhà tầng cao hàng chục mét xuống cắm vào miếng thịt bò, cắm vào miếng xốp; hay cố tình “chẻ sợi tóc làm tư” trong những clip chuyên về review resort, khách sạn nhằm khiến các nơi này e sợ qua đó tạo uy cho mình.

Thậm chí, bày trò ở cách li 14 ngày dịp COVID-19 trong ống cống ngoài mương ruộng, rồi tắm gội bằng nước mương, thả rắn vào ngủ cùng…

Có thể nói, tình trạng “móc mắt kiếm view” của Vloggers/YouTubers Việt là muôn hình vạn trạng.

Anh Bảo Suzu, một influencer (người tạo được ảnh hưởng trên mạng xã hội) cho rằng, có lẽ ít có Vlogger/YouTuber ở đâu bày nhiều trò “móc mắt kiếm view” như tại Việt Nam.

Một dạo “giang hồ mạng” rộ lên, những clip ăn view nhất của họ cũng chính là chiêu trò “móc mắt kiếm view” đối với những thanh niên mới lớn, lứa tuổi teen thích bầy đàn ở các tỉnh lẻ, miệt quê.

Những YouTuber nút vàng ở Việt Nam, nội dung có tính sáng tạo độc đáo thì ít, mà tính gây tò mò, câu khách thì nhiều, lại được đám đông bầy đàn tán dương rồi trở thành fans ruột.

Tất nhiên ở Việt Nam vẫn có nhiều nhóm hay cá nhân YouTuber làm nội dung nghiêm túc, có tính sáng tạo, tạo ra các giá trị đóng góp cho xã hội…

Nhưng những nhóm, những người như thế, lại ít được dư luận mạng bàn tán. Sự bàn tán về các YouTuber, nhiều khi lại chính là điểm xấu, gợn đục, tai tiếng…

Hẳn khán giả yêu thích Vlog tại Việt Nam không lạ Vlogger nổi tiếng của Trung Quốc là Lý Tử Thất. Khởi nghiệp với các video chuyên về cuộc sống, sinh hoạt, văn hóa thôn quê, sau đó đi vào review các món ăn, hướng dẫn cách làm, từ từ Vlogger này đi vào lòng người một cách trìu mến mà không cần phải bày hết trò này đến trò kia nhằm “móc mắt kiếm view”.

Lý Tử Thất với cách làm nghiêm túc, nhẹ nhàng, nhân bản, đến nay đã có hơn 1,2 tỉ lượt xem và hơn 100 triệu người theo dõi trên toàn cầu.

Cũng là YouTuber, hay review những nhà hàng với món ăn, nhưng kênh YouTube ColorMan lại tạo được sự yêu mến, tin cậy, vui vẻ thay vì như Khoa Pug thì cố tình giật gân nhằm câu kéo các fan ruột.

“Móc mắt kiếm view” càng đáng sợ hơn khi có một câu gần như là định hướng, thước đo mang lại lượt xem và tiền cho các kênh làm những clip nhảm, “bẩn” và phản cảm: “Các cháu không xem chả ai xem”.

Chính vì thế, các clip cố tình dùng mọi chiêu thức câu view càng hướng về “các cháu”, làm thế nào để “các cháu” xem mới kiếm được nhiều view, tiềm ẩn nguy cơ không nhỏ gây tổn hại đến nhận thức, hành vi của trẻ em.

“Các cháu không xem chả ai xem” cho nên mới có các clip thả dao, thả rắn vào ngủ cùng, tắm gội bằng nước mương… để “móc mắt kiếm view” từ các cháu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn