MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Võ cổ truyền Bình Định vẫn được truyền dạy cho thế hệ trẻ. Ảnh: NTT

Võ Bình Định hướng đến trở thành di sản văn hóa của thế giới

NGUYỄN TẤN TUẤN LDO | 01/03/2022 20:00

Bình Định được coi là một trong những chiếc nôi của nền võ học cổ truyền Việt Nam và từ xa xưa được gọi là “Miền đất võ”...  

Võ cổ truyền Bình Định xuất hiện từ rất sớm và thể hiện rõ nét vào thời Tây Sơn – Nguyễn Huệ thế kỷ XVIII. Năm 2014, võ Bình Định đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép lập hồ sơ Võ cổ truyền Bình Định trình UNESCO đề cử ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại…

Nhằm tôn vinh đúng giá trị đích thực về khoa học, lịch sử, văn hóa của di sản và định hướng cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị của một di sản nghệ thuật trình diễn truyền thống trong quá trình hội nhập quốc tế và phát triển bền vững, UBND tỉnh Bình Đinh đề nghị Bộ xem xét, trình Chính phủ đưa di sản Võ Bình Định vào danh mục đề cử lên UNESCO ghi danh, tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; đồng thời có ý kiến chỉ đạo các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch phối hợp và hỗ trợ tỉnh lập hồ sơ khoa học di sản Võ cổ truyền Bình Định trong giai đoạn 2021 - 2025.

Võ cổ truyền Bình Định xuất hiện từ rất lâu đời, nhất là thời Quang Trung – Nguyễn Huệ, thế kỷ XVIII. Năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ghi danh Võ cổ truyền Bình Định là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Việt Nam. Đến năm 2013, UBND tỉnh quyết định thành lập Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định nhằm tạo mọi điều kiện pháp lý để giao lưu, trao đổi các dòng võ cổ truyền nói chung của nước ta, tạo ra ngôi nhà chung cho các làng võ cổ truyền trong cả nước.

Bình Định hiện có hơn 100 võ đường võ cổ truyền, trải rộng khắp 11 huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh. Cả tỉnh Bình Định từng có hàng nghìn nghệ nhân và võ nhân đang nắm giữ nhiều di sản văn hóa phi vật thể Võ cổ truyền Bình Định. Họ cũng đang tổ chức truyền bá võ Bình Định cho thế hệ trẻ tại 177 võ đường, hoặc câu lạc bộ võ Bình Định trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, hiện nay trên thế giới, Võ Bình Định đang có nhiều võ đường tổ chức truyền dạy ở nhiều nước như Châu Âu, Mỹ và nhiều quốc gia trên khắp thế giới ...

Qua từng giai đoạn thăng trầm, qua nhiều cuộc chiến tranh chống xâm lược, Võ Bình Định vẫn tồn tại, phát triển và có những đóng góp to lớn cho đất nước.

Năm 1975, bên cạnh các môn thể thao: Bóng đá, bóng chuyền, bơi lội, điền kinh, bóng bàn… bộ môn võ thuật Cổ truyền Bình Định đã được tỉnh Bình Định cho phép thành lập và tạo mọi điều kiện để bảo tồn và phát triển. Võ cổ truyền Bình Định cho đến năm 2022 vẫn là một trong những môn bộ môn thể thao mũi nhọn của tỉnh.

Ngoài ra, công tác sưu tầm, nghiên cứu võ cổ truyền Tây Sơn - Bình Định cũng liên tục được quan tâm từ hàng chục năm nay. Việc xây dựng những võ đường, câu lạc bộ võ Cổ truyền ở nhiều địa phương, võ Bình Định còn được truyền bá, lan rộng trong nước và nước ngoài.

Thông qua Liên đoàn Quốc tế Võ Việt Nam, võ cổ truyền Bình Định đã được nhiều võ sư, võ sĩ và thanh thiếu niên ở nhiều quốc gia yêu thích, luyện tập và tham gia biểu diễn trong các đợt lễ hội Festival võ thuật ở Việt Nam. Có thể nói, võ Bình Định tự hào và rất xứng đáng được UNESCO ghi danh vào di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại trong thời gian tới. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn