MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tết năm nay, anh Hiệu tặng ông bà nội ngoại mỗi nhà một cành đào phai. Ảnh: Phương Trang.

Vợ chồng trẻ đau đầu chuyện biếu Tết nội, ngoại

Phương Trang LDO | 18/01/2023 10:00

Biếu quà Tết nhà nội, nhà ngoại bao nhiêu là đủ, biếu quà làm sao để không làm mất lòng ai,... luôn là nỗi niềm đau đáu của các gia đình mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Từ xưa đến nay, việc biếu quà cha mẹ mỗi dịp tết là để bày tỏ tình cảm, sự quan tâm của con cái đối với cha mẹ. Những món quà biếu xưa kia thường không nặng về vật chất mà chủ yếu là thể hiện tấm lòng người tặng. Món quà khi ấy chỉ là cân giò, cặp bánh chưng, cành đào, cành mai…  

Tuy bây giờ ý nghĩa của món quà Tết không thay đổi nhưng nhiều chị em vẫn đau đầu trong việc biếu Tết hai bên nội, ngoại.  

Tâm sự về vấn đề này, chị Nguyễn Như Quỳnh (25 tuổi, nhân viên văn phòng ở Thanh Hoá), cho hay: “Đây là năm thứ ba tôi đón Tết ở nhà chồng. Năm nào tôi cũng đắn đo về chuyện biếu Tết ông bà hai bên”.

Vợ chồng chị Quỳnh đều là nhân viên văn phòng, thu nhập của hai vợ chồng được 15 triệu đồng/tháng. Cuối năm bao nhiêu việc phải lo nên chị Quỳnh khá đau đầu về việc biếu quà. Biếu quà ít thì không được, mà biếu quà lớn thì sợ vượt quá khả năng.

Chị Quỳnh luôn cố gắng không làm phật lòng hai bên. Năm ngoái, chị biếu ông bà nội, ngoại mỗi nhà 1 triệu đồng để ông bà sắm Tết. Còn năm nay, hai vợ chồng chị Quỳnh dự định sẽ biếu ông bà nội, ngoại là 2 triệu đồng.

Theo chị này, việc hiếu nghĩa hai bên nội, ngoại sao cho vẹn toàn lại không phải việc đơn giản. Cứ gần Tết là các gia đình đã bắt đầu bàn bạc chuyện biếu Tết nhà nội, nhà ngoại thế nào cho hợp lý. Từ đó mà những bất đồng quan điểm đã xảy ra và châm ngòi cho “cuộc chiến” không hồi kết.

Vợ chồng chị Quỳnh thường ngồi bàn bạc, thống nhất để có thể tìm ra “tiếng nói” chung. Đối với chị Quỳnh, đây không phải vấn đề to tát để phải to tiếng hay khó chịu với nhau.

“Thời gia đầu, tôi và chồng cũng bất đồng quan điểm về vấn đề này. Khi tôi đưa ra ý kiến thì chồng tỏ vẻ không hài lòng. Sau nhiều lần cãi vã, hai vợ chồng đã quyết định biếu nội ngoại như nhau, không ai hơn ai cả”, chị Quỳnh tâm sự.

Chị Như Quỳnh mong muốn biếu Tết bố mẹ nhiều nhất có thể. Ảnh: Như Quỳnh

Hơn nữa, nhà chị Quỳnh chỉ có mỗi chị là con nên khi chị Quỳnh đi lấy chồng, bố mẹ đẻ cảm thấy khá buồn. Vì vậy, Tết chị sẽ dành thời gian cho ông bà nhiều nhất có thể.

Đối với anh Đỗ Huy Hiệu (37 tuổi, giáo viên tiểu học ở Thanh Hoá), anh muốn ngày Tết có thể biếu bố mẹ được trọn vẹn và đầy đủ.

“Năm nào vợ chồng cũng thống nhất với nhau là năm nay mình sẽ biếu ông bà như thế nào dựa vào thu nhập của hai vợ chồng. Hai vợ chồng tôi cũng không cần phải phân chia rạch ròi ai lo cho Tết bên nội, bên ngoại mà sẽ cùng làm hết. Vợ chồng tôi sẽ dẫn con đến biếu quà Tết ông bà nội, ngoại luôn", anh Hiệu chia sẻ.

Việc mua sắm đồ Tết cho gia đình đều do vợ anh là người quản lý chi tiêu. Vợ anh Hiệu là một người chi tiêu cẩn trọng, rạch ròi nên anh rất an tâm về vấn đề mua sắm cho nội, ngoại hai bên của vợ mình.

“Tôi nghĩ quà biếu Tết cho bên nội hay ngoại nhiều hay ít tùy thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, có ít biếu ít, có nhiều biếu nhiều, cốt là ở tấm lòng con cái hướng về cha mẹ”, anh Hiệu tâm sự. 

Anh Hiệu cho hay, của cho không bằng cách cho, giá trị của món quà không nằm ở vật chất mà nằm ở tấm lòng những người con đối với bố mẹ. Món quà đắt giá nhất xuất phát từ sự chân thành của các con mong muốn cha mẹ vui vẻ, hài lòng.

“Đối với những người thân trong gia đình, ông bà nội, ngoại nhà tôi không quan trọng con cái biếu những gì. Chỉ cần con về nhà, cùng ăn bữa cơm gia đình, hưởng niềm vui sum vầy là đủ”, anh này trải lòng.

Biếu Tết bao nhiêu là đủ?

Bạn đọc có thể bày tỏ quan điểm qua email của toà soạn: toasoan@laodong.com.vn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn