MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
"Siêu trộm công sở" Nguyễn Tiến Quân tại tòa. Ảnh: Đức Hùng

Vụ án “siêu trộm” làm lộ quan lắm tiền

NGUYỄN ĐĂNG TRUNG LDO | 24/07/2016 09:42
Trong lúc dư luận đang nóng với rác của Formosa, phiên tòa xử “siêu trộm” chuyên đột nhập phòng làm việc của quan chức Hà Tĩnh lấy đi hàng trăm triệu đồng cũng khiến người dân “mắt tròn mắt dẹt”. Vụ án dấy lên nhiều nghi ngờ về nguồn gốc tài sản quan chức hiện nay.

Trong bản cáo trạng của VKSND tỉnh Hà Tĩnh đọc ngày 21.7 tại phiên xét xử “siêu trộm” Nguyễn Tiến Quân (34 tuổi), có nhiều nội dung ly kỳ. Mặc dù quê ở Quảng Bình, nhưng Quân lại nhiều lần “vi hành” ra Hà Tĩnh, đột nhập vào phòng làm việc của Chủ tịch, Bí thư Tỉnh ủy, rồi Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các huyện để “kiếm ăn”. Và y đã vớ bẫm, trong những lần đột nhập, đã kiếm được 350 triệu đồng.

Chưa thấy tên trộm nào “gặp may” và vớ bẫm như Quân: Vào 21h đêm tháng 6.2014, cậy ô cửa kính phòng làm việc chủ Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự, lấy đi một tệp tiền loại 500 nghìn đồng. 4 tháng sau, Quân tìm đến phòng làm việc của Phó chủ tịch UBND Lê Đình Sơn, lấy 20 triệu đồng; vào phòng ông Võ Kim Cự lấy được thêm 80 triệu đồng.

Thời gian sau, Quân vào phòng ông Võ Hữu Hào - Chủ tịch UBND huyện Can Lộc, lấy được chiếc cặp màu đen có gần 150 triệu đồng, sang phòng Phó chủ tịch Đặng Trần Phong, lấy tiếp 90 triệu đồng. Quân tiếp tục "vơ" được 20 triệu khi “ghé thăm”  phòng làm việc của ông Ngô Văn Tân, Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà.

“Đi đêm lắm có ngày gặp ma”, Quân bị tóm khi gặp ông Võ Kim Cự, lúc này là Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, y nhảy lầu chạy trốn, bị thương và bị bắt.

Giả sử Quân không quá tham, “thấy bở đào mãi” thì có thể vụ trộm hy hữu này đã nằm trong bóng tối, và nhiều “khổ chủ” đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” chấp nhận mất tiền chứ không trình báo.

Một chi tiết đáng lưu ý là Quân khai số tiền y cuỗm được còn nhiều hơn thế, nhưng vì không có căn cứ (các “khổ chủ” không khai báo?), nên cơ quan điều tra chấp nhận con số 350 triệu. Xưa nay kẻ trộm thường khai giá trị, số lượng tài sản trộm cắp được thấp hơn thực tế để giảm tội, nhưng tên trộm này lại khai tăng số tiền lên? Điều này cho thấy có thể số tiền mà Quân kiếm được lớn hơn nhiều so với con số 350 triệu.

Trụ sở UBND tỉnh Hà Tĩnh, nơi Quân từng đột nhập, trộm được hàng trăm triệu đồng. Ảnh: Đức Hùng

Sau vụ án, dư luận đặt ra câu hỏi: Tiền đâu mà có nhiều như thế trong phòng làm việc các quan chức? Lương bổng của quan chức, có cao cũng trên dưới chục triệu đồng; trong thời bão giá này, may ra đủ chi tiêu, khó có thể có tiền lớn tích lũy. Đây chắc cũng không phải tiền cơ quan, vì các lãnh đạo không kiêm chức thủ quỹ.

Nếu có tiền, người ta thường đưa về “ngân hàng gia đình” (vợ) hay gửi ngân hàng, đầu tư làm ăn. Vậy các quan để tiền trong phòng làm gì? Một giả thiết là các quan chức sử dụng vào việc riêng, không loại trừ những mục đích “bí mật” nào đó.

Dù sao, đây cũng là điều bất thường.

Hiện nay, cơ chế giải trình về nguồn gốc tài sản của chúng ta chưa được hoàn thiện, chưa chặt chẽ. Các quan chức liên quan đến vụ án không phải giải trình về nguồn gốc, mục đích sử dụng số tiền nói trên, hoặc nếu có thì cũng không được công bố.

Do đó, dư luận đặt ra câu hỏi, liệu có gì bất minh, khuất tất trong khối tài sản lớn để trong phòng làm việc của các quan chức? “Của đau, con xót”, người mất tài sản bao giờ cũng muốn lấy lại đủ số tài sản đã bị mất, nhưng ở đây có hiện tượng bị hại khai báo giảm đi so với thực tế, chắc có điều “khó nói”?

Từ lâu, đã thành một “trào lưu” các đạo chích đột nhập phòng làm việc hoặc nhà riêng của quan chức, và cuỗm đi những khối tài sản khổng lồ, có trường hợp lên đến hàng trăm cây vàng và nhiều tỷ đồng.

Hiện tượng này cho thấy trong hàng ngũ quan chức hiện nay có không ít những người siêu giàu, tuy nhiên nguồn gốc hình thành tài sản không được giải trình minh bạch, và dấy lên nhiều nghi vấn về tham nhũng, tiêu cực.

Dù muộn còn hơn không, đã đến lúc cần khẩn cấp hoàn thiện cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập; tạo hành lang pháp lý vững chắc để chống tham nhũng, rửa tiền, tội phạm. Đây là giải pháp quan trọng đã được nhiều nước tiên tiến áp dụng, và thực tế cho thấy có giá trị như một “rào cản” hữu hiệu.

Nếu không có cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập, thì mục tiêu chống tham nhũng mãi mãi chỉ là ảo ảnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn