MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tại huyện Trảng Bom, Báo Lao Động đã phát hiện có nhiều lò thu mua heo chết.

Vụ biến heo chết thành bê thui: UBND huyện Trảng Bom cảm ơn Báo Lao Động

Nhóm PV LDO | 15/04/2022 13:40

Liên quan đến tuyến bài điều tra "Công nghệ biến heo chết thành bê thui, giò chả", UBND huyện Trảng Bom (Đồng Nai) đã cảm ơn Báo Lao Động trong việc cung cấp thông tin rất đáng quan tâm; huyện đang tiếp tục xử lý những vấn đề này để thực phẩm đến tay người dân phải được an toàn.

This browser does not support the video element.

Video "Công nghệ biến heo chết thành bê thui, giò chả"

Sáng 15.4, ông Lê Ngọc Tiên - Phó chủ tịch UBND Huyện Trảng Bom, Đồng Nai cho biết, UBND huyện đang khẩn trương xử lý những vấn đề Báo Lao Động phản ánh trong tuyến bài "Công nghệ biến heo chết thành bê thui, giò chả".

Theo ông Tiên, chính quyền huyện Trảng Bom rất quan tâm công tác giết mổ gia súc, gia cầm cũng như heo trên địa bàn được Báo Lao Động phản ánh. Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành của huyện và các xã tăng cường việc kiểm tra, giám sát, xử phạt các cơ sở, các hộ gia đình mổ heo nhưng chưa được cấp phép. 

"Việc Báo Lao Động phản ánh, chúng tôi đã tiếp nhận thông tin và cũng đã đi kiểm tra làm việc với cơ sở ở xã Bình Minh và cũng đã xử phạt theo quy định. Qua báo cáo của xã Bình Minh thì đến thời điểm này, các hộ bị xử phạt đã tạm ngưng, không có tiếp tục hoạt động nữa. Trách nhiệm địa phương của chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, kiểm tra nhiều lần hơn nữa, để làm sao hạn chế đến mức thấp nhất và tiến tới là sẽ loại bỏ luôn hẳn việc giết mổ trái phép trên địa bàn." - ông Tiên nói.

 Khò heo nái chết để làm... bê thui

Theo ông Tiên, trong ngày hôm nay 15.4, UBND Huyện tiếp tục họp về vấn đề giết mổ lậu trên địa bàn, cuộc họp này là để làm sao đưa ra một số biện pháp, giải pháp để xử lý triệt để những vấn Báo Lao Động phản ánh.

"Trước đây chúng tôi cũng tổ chức họp dân rồi, họp các tiểu thương này rồi vận động tuyên truyền và đề nghị họ cam kết sẽ đưa heo vào cơ sở giết mổ tập trung, để sau khi giết mổ xong thì họ sẽ đưa ra để bán, tiêu thụ ở các chợ đầu mối cũng như chợ địa phương. Huyện cũng cảm ơn quý Báo Lao Động đã cung cấp thông tin rất đáng quan tâm và chia sẻ cùng với địa phương. Chúng tôi sẽ tiếp tục xử lý những vấn đề như thế này, để thực phẩm đến tay người tiêu dùng phải được an toàn." - ông Tiên nói.

 Thịt heo nái chết khò đến cháy đen.

Lãnh đạo huyện Trảng Bom cung cấp thêm thông tin, hiện nay theo kế hoạch của tỉnh, trên địa bàn huyện được quy hoạch 18 điểm giết mổ tập trung. Đến nay có 9 điểm đã được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động, mỗi ngày cho ra thị trường khoảng 600 con trâu, bò, 7000 con heo và 1600 con gà. Công tác kiểm tra giết mổ tại các điểm này được chính quyền huyện phối hợp với lực lượng thú y diễn ra thường xuyên và kể cả phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y của tỉnh làm công tác kiểm tra thường xuyên.

"Chúng tôi cũng xác định công tác vệ sinh an toàn thực phẩm là công tác cực kì quan trọng, cho nên khi Báo Lao Động phản ánh là chúng tôi chỉ đạo quyết liệt và xử lý ngay. Huyện cũng thường xuyên chỉ đạo làm sao công tác vệ sinh an toàn thực phẩm phải được quan tâm, vì vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được người dân quan tâm." - ông Tiên cho biết.

 Cơ sở sản xuất giò chả bẩn lấy nguồn thịt heo chết ươn từ xã Bình Minh,  huyện Trảng Bom, Đồng Nai

Trước đó, từ ngày 2.4, Báo Lao Động đã khởi đăng loạt bài điều tra "Công nghệ biến heo chết thành bê thui, giò chả", phản ánh thực trạng trên địa bàn xã Bình Minh, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai có nhiều lò mổ heo lậu. Trong đó, có nhiều lò chuyên mổ heo dịch bệnh, heo chết rồi chế biến thành bê thui, heo quay, giò chả, heo rừng,... để cung cấp ra thị trường. Tuyến bài cũng phản ánh, tại Thành phố Biên Hòa có cơ sở sản xuất giò chả, da bao, giò thủ, nem nướng,... chuyên nhập thịt heo dịch bệnh, heo chết, thịt ươn thối về để chế biến rồi cung cấp cho nhiều tỉnh, thành phía Nam.

Ngay sau khi báo đăng, nhiều cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tỉnh Đồng Nai vào cuộc xử lý. Hiện vấn đề Báo Lao Động phản ánh vẫn đang được Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai, UBND Thành phố Biên Hòa, UBND Huyện Trảng Bom và chính quyền địa phương tiếp tục xử lý theo quy định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn