MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cơ sở giáo dục mầm non Tuổi Thơ Thanh Chương bị yêu cầu tháo dỡ để đấu giá đất. Ảnh: Q. ĐẠI

Vụ cô giáo quỳ gối xin dạy: Ai sẽ trả tiền đấu giá đất giáo dục?

LÊ QUANG ĐỨC LDO | 01/09/2019 07:30

“Bán đấu giá đất dành cho giáo dục, về danh nghĩa doanh nghiệp đầu tư trả tiền, nhưng bản chất tiền đó sẽ được bù đắp bằng học phí, tức là từ túi tiền người dân. Đây là việc làm trái với chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước.”  - bạn đọc Lê Quang Đức chia sẻ quan điểm.        

“Là một nhà giáo nghỉ hưu, thời gian qua tôi rất quan tâm đến sự việc Trường mầm non tư thục Tuổi Thơ tại thị trấn Thanh Chương, là một ngôi trường tốt, được phụ huynh học sinh tin tưởng, nhưng do xây dựng sai quy trình nên bị đóng cửa.

Vì vậy, dẫn đến sự việc đau lòng là nhiều cô giáo mầm non phải quỳ gối xin không đóng cửa trường.

Nhiều giáo viên mầm non quỳ gối xin không đóng cửa trường gây xôn xao dư luận

Thậm chí, chủ đầu tư còn bị yêu cầu tháo dỡ ngôi trường để lấy mặt bằng cho chính quyền địa phương tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất.

Như thông tin trên Báo Lao Động, theo ông Trần Việt Dũng – Phó Giám đốc Sở Tài chính Nghệ An, việc tham mưu bán đấu giá khu đất quy hoạch dành cho giáo dục tại khối 3 – thị trấn Thanh Chương – huyện Thanh Chương là để “tối ưu hóa lợi ích nhà nước”, thu tiền cho ngân sách, đồng thời vẫn thu hút được nhà đầu tư xây trường học.

Thiết nghĩ, cách suy nghĩ như trên là chưa thấu suốt chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước. Chủ trương này nhằm tạo ưu đãi, thu hút các nhà đầu tư vào các lĩnh vực khó khăn, sinh lợi ít, giảm bớt chi ngân sách và tạo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Chủ trương nói trên được cụ thể hóa qua các quy định trong Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Nghị định 69/2008 của Chính phủ. Tỉnh Nghệ An cũng có Quyết định 13/2015 quy định rõ các ưu đãi dành cho nhà đầu tư trong các dự án thuộc danh mục xã hội hóa như giáo dục, văn hóa, y tế, thể dục thể thao, môi trường…

Nếu tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, thì không còn thực hiện chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào các dự án xã hội hóa nữa.

Trường hợp khu đất tại khối 3, thị trấn Thanh Chương (huyện Thanh Chương) vốn là trường học, qua các văn bản pháp lý thể hiện là đất quy hoạch dành cho giáo dục. Nếu tổ chức đấu giá, về danh nghĩa doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ trả tiền.

Nhưng thực chất, sau đó doanh nghiệp họ sẽ tìm cách thu lại từ học phí và giá các dịch vụ giáo dục để bù lại. Nghĩa là người dân sẽ phải bỏ tiền ra để trả khoản tiền mà nhà đầu tư đã mua đất đấu giá, cuộc sống sẽ khó khăn hơn.

Việc không tổ chức đấu giá, Nhà nước chia sẻ với nhà đầu tư, sâu xa là chia sẻ với người dân, để con em nhân dân trên địa bàn có được nhà trường mầm non chất lượng tốt, giá cả hợp lý, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ em, một giải pháp an sinh xã hội bền vững và nhân văn.

Quan niệm “tối ưu hóa lợi ích nhà nước” trong trường hợp nói trên là phiến diện. Về thực chất, lợi ích nhà nước và lợi ích nhân dân là một, gắn liền không tách rời, “dân giàu thì nước mạnh”. Nhà nước có trách nhiệm và tìm mọi giải pháp để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, chăm lo cho người dân ngày một tốt hơn.

Theo Nghị định 167/2017 của Chính phủ, không bắt buộc mọi tài sản công (trong đó có nhà, đất) đều phải xử lý theo phương thức đấu giá.

Việc đấu giá chỉ áp dụng đối với trường hợp bán tài sản, với mục tiêu tránh thất thoát tài sản nhà nước, chống thông đồng, lợi ích nhóm.

Việc nhà nước sử dụng công sản, để thực hiện chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục nhằm thu hút, khuyến khích đầu tư, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, thực hiện lời Bác Hồ dạy “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn