MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Hợp, bà An hiện vẫn đang còn sống nhưng bị khai báo là đã chết trong văn bản thông báo khai nhận di sản. Ảnh PV

Vụ con dâu "khai tử" bố mẹ chồng còn sống: Tài sản nhà đất đã bán sẽ xử lý thế nào?

VƯƠNG TRẦN - HOA LÊ LDO | 29/08/2017 07:00
Theo Luật sư Nguyễn Hải, do sự khai báo thiếu trung thực, sai thông tin nên văn bản khai nhận di sản và giao dịch chuyển nhượng tài sản giữa chị này và bên thứ 3 có khả năng bị vô hiệu. Chị Viễn sẽ phải bồi hoàn tiền cho bên thứ 3, đồng thời bên thứ 3 sẽ trả lại bất động sản cho người được hưởng thừa kế.

Như Lao Động đã đưa tin trong các bài viết liên quan đến phản ánh của ông bà Đỗ Văn Hợp, Nguyễn Thị An (SN 1932) tại phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, TP.Hà Nội đã rất bức xúc trước việc con dâu Vũ Thị Viễn đã  “khai tử” giả bố mẹ chồng trong quá trình thực hiện các thủ tục khai nhận di sản thừa kế. Sau khi hoàn thành các thủ tục về khai báo di sản, nhượng quyền thừa kế, chị Viễn đã  bán khối tài sản rồi bỏ trốn.

Liên quan đến vụ việc, trao đổi với PV Lao Động, luật sư Nguyễn Hải - Văn phòng Luật sư Hải Nguyễn và cộng sự (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) - cho hay, việc chị Vũ Thị Viễn làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế với thông tin vợ chồng ông Nguyễn Văn Hợp, bà Nguyễn Thị An đã mất trong khi vợ chồng ông vẫn còn sống là vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật, hành vi này còn vi phạm nghiêm trọng đạo đức, truyền thống gia đình.

Văn bản thông báo khai nhận di sản có nội dung ông Hợp, bà An (bố mẹ đẻ của anh Đỗ Mạnh Tiến) đã chết trong khi những người này vẫn còn sống.

Luật sư Nguyễn Hải cho biết, do văn bản khai nhận di sản thừa kế là trái quy định pháp luật nên việc chuyển dịch quyền sở hữu tài sản từ ông Tiến sang chị Viễn có khả năng bị vô hiệu. Chị Viễn không phải chủ sở hữu hợp pháp của thửa đất. Vậy nên giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở của chị Viễn cho người thứ ba cũng bị vô hiệu.

Căn cứ Điều 138 BLDS năm 2005 về việc bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay khi giao dịch dân sự vô hiệu thì bà Viễn có trách nhiệm hoàn trả lại số tiền đã nhận, đồng thời bồi thường thiệt hại cho bên thứ ba. Bên thứ ba hoàn trả lại tài sản là Bất động sản nêu trên cho những người được hưởng thừa kế.

Chiều 28.8, trao đổi với PV, ông Hợp (người bị con dâu khai tử trong văn bản thông báo khai nhận di sản) cho hay, ông bà vừa nhận được thông báo của UBND quận Tây Hồ về việc không thụ lý giải quyết tố cáo.

Theo thông báo số 366/TB-UBND do Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Đỗ Anh Tuấn ký nêu rõ, UBND quận Tây Hồ nhận được đơn tố cáo ngày 10.6.2017 của ông Đỗ Văn Hợp và bà Nguyễn Thị An, trú tại số nhà 60, ngõ 399 đường Âu Cơ, phường Nhật Tân với nội dung tố cáo UBND phường Nhật Tân xác nhận vào Thông báo việc khai nhận di sản thừa kế ngày 4.7.2006 của Phòng Công chứng số 3 Hà Nội, khi thông báo đó có nội dung sai sự thật là “Cha, mẹ đẻ của ông Đỗ Mạnh Tiến đã chết”.

Theo quận Tây Hồ, nội dung tố cáo nêu trên là không đủ điều kiện để thụ lý giải quyết, theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 20 Luật Tố cáo năm 2011 với lý do, xác nhận của UBND phường Nhật Tân là theo đề nghị của Phòng Công chứng số 3 Hà Nội.

Việc xác nhận của UBND phường Nhật Tân là không trái với quy định của pháp luật liên quan đến công chứng, chứng thực văn bản khai nhận di sản.

“Thông báo việc khai nhận di sản thừa kế ngày 4.7.2006 của Phòng Công chứng số 3 Hà Nội có nội dung sai sự thật thuộc trách nhiệm của Công chứng viên Phòng Công chứng số 3, người đã thực hiện việc công chứng, chứng thực văn bản khai nhận di sản và thuộc trách nhiệm của người yêu cầu công chứng, chứng thực văn bản khai nhận di sản”, thông báo của quận Tây Hồ nêu rõ.

Trước đó, trao đổi với PV Lao Động, bà Hồ Xuân Hương - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội - cho hay, văn bản công chứng có giá trị chứng cứ, chỉ có cơ quan TAND mới có thẩm quyền tuyên văn bản công chứng vô hiệu. Hiện vụ việc đã được phía Tòa án thụ lý. Do đó, gia đình ông Hợp, bà An cần tiếp tục đề nghị cơ quan Tòa án có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn