MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vụ công khai mua bán đất mặt ruộng: Huyện Long Hồ cương quyết ngăn chặn

HOÀNG LỘC LDO | 12/04/2023 11:04

Sau loạt bài phản ánh việc khai thác đất mặt ruộng của người dân trên địa bàn huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long vào cuối tháng 2, đầu tháng 3 vừa qua, Chủ tịch UBND huyện Long Hồ đã chỉ đạo dừng vận chuyển hơn 8.000 m3 đất mặt ruộng tại các điểm tập kết chờ xin ý kiến cấp trên xử lý các trường hợp vi phạm.

Ngày 12.4, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, bà Phan Thị Mỹ Hạnh - Chủ tịch UBND huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long thông tin, sau phản ánh của Báo Lao Động về vấn đề khai thác đất mặt ruộng, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, UBND các xã, thị trấn có người dân khai thác đất mặt ruộng nắm chắc thông tin để tiến hành xử lý nếu có sai phạm.

“Qua khảo sát thực tế tại 1 số địa phương trên địa bàn huyện, hiện nay có 10 nơi tập kết đất, 2 nhà kho chứa hơn 20.000 bao đất với ước tính hơn 8.000 m3 đất mặt ruộng”, bà Mỹ Hạnh thông tin.

Dừng hẳn việc vận chuyển đất mặt ruộng để huyện tiến hành khảo sát. Ảnh: Hoàng Lộc 

Bà Hạnh cũng cho biết, từ những buổi khảo sát người dân khai thác đất mặt ruộng, xuất hiện 2 luồng ý kiến của người dân giải thích về lý do khai thác đất của mình.

Một là người dân muốn cải tạo đất, không để tình trạng đất gò ảnh hưởng nhiều đến sản xuất lúa như: nguồn nước sản xuất không đáp ứng do đất cao hơn những đất xung quanh, chuột cắn phá nhiều,…

Người dân cho rằng chỉ cải tạo phần đất mặt ruộng này cho, tặng người thân dùng làm đất trồng cây chứ không mua bán.

Người dân cần cải thiện đất mặt ruộng, lấy đất mặt thì phải báo xin ý kiến chính quyền địa phương. Ảnh: Hoàng Lộc 

Luồng ý kiến thứ hai là một số hộ nông dân cũng muốn cải tạo đất và có bán cho những người khác cần đất mặt ruộng sử dụng vào các mục đích khác nhau.

Nguồn thu từ bán đất mặt chủ yếu phục vụ chi phí nhân công, vận chuyển và phân bón bổ sung dinh dưỡng cho đất tốt hơn vào mùa vụ tiếp theo.

“Cũng tại các buổi khảo sát, phía huyện cũng yêu cầu người dân khắc phục tình trạng khai thác đất mặt ruộng bằng cách trả lại hiện trạng ban đầu. Tuy nhiên, hiện tại gặp khó do người dân đang sản xuất vụ lúa tiếp theo.

Huyện đã nhắc nhở người dân nên sử dụng cho việc trồng cây của mình, không diễn ra tình trạng mua bán”, bà Mỹ Hạnh nói.

Chủ tịch UBND huyện Long Hồ cũng đã yêu cầu các ban, ngành, địa phương có liên quan đến vấn đề khai thác đất mặt ruộng, sớm cung cấp lại thông tin sau khảo sát để có cơ sở trình về cấp trên có hướng xử lý triệt để, không để tình trạng này xảy ra vào những năm tiếp theo.

“Nếu việc canh tác gặp khó khăn người dân cần cải thiện đất mặt ruộng, lấy đất mặt thì phải báo xin ý kiến chính quyền địa phương sẽ khảo sát đánh giá và cho phép”, bà Hạnh nói và cho biết thêm, UBND huyện sẽ sớm có văn bản xin ý kiến UBND tỉnh Vĩnh Long xử lý, khắc phục tình hình khai thác đất mặt ruộng tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Trước đó, Báo Lao Động đã có nhiều bài viết thông tin về việc thời gian gần đây, tình trạng mua bán mặt đất ruộng diễn ra công khai tại các xã Phú Đức, Long Phước (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long). 

Tại ruộng, nhiều xe cuốc cào lớp đất mặt từ 10 - 20 cm đưa lên xe tải chuyên dụng chở từ 1 – 2 m3 đất đi đến nơi tập kết ven lộ lớn rồi chuyển đến người tiêu dùng trong thời gian sớm nhất.

Tuy nhiên, trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Vĩnh Long, cho biết: Đất mặt ruộng có lượng dinh dưỡng chỉ sâu khoảng 20 cm. Do đó, sau khi bị cào hết mặt đất chứa nhiều chất dinh dưỡng thì đến phần đất sinh phèn. Phần đất này có thể gây ngộ độc hữu cơ cũng như không cung cấp chất dinh dưỡng cho cây lúa phát triển được. 

Điều này đồng nghĩa sẽ làm năng suất bị sụt giảm nhiều và phải tốn ít nhất 5 đến 7 năm mới phục hồi lại chất dinh dưỡng cho mặt ruộng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn