MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đá gia tải tại gói thầu XL-11 mềm như đất. Ảnh: K.Q

Vụ đá đường cao tốc có thể bẻ bằng tay: Chỉ là vật liệu tạo trọng lực

Kỳ Quan LDO | 07/10/2020 13:04
Liên quan tới vụ “lùm xùm” đá gia tải trên công trình cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận mềm như đất, có thể dùng tay bẻ đôi, Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận (Doanh nghiệp dự án) cho biết, đó chỉ là vật liệu tạo trọng lực để nén nền đường, sau khi kết thúc thời gian gia tải, đá đó sẽ được bốc đi và sẽ sử dụng vào công việc phù hợp.

Theo phản ánh của những người dân khu vực phường 3, TX.Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang (nơi tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận chạy qua), đá gia tải mặt đường tại gói thầu XL-11 công trình Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận mềm như đất, có thể dùng tay bẻ vụn dễ dàng. Lo lắng cho chất lượng công trình tầm quốc gia này, người dân đã phản ảnh đến các đơn vị có liên quan.

Đá gia tải công trình Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Ảnh: K.Q

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động ngày 7.10, người có trách nhiệm của Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cho biết, theo hồ sơ thiết kế và chỉ dẫn kỹ thuật được Bộ GTVT thẩm định (Báo cáo thẩm định số 3116/CQLXD-ĐB3 ngày 29.5.2015), vật liệu gia tải nền đất yếu có thể là cát, đất, đá hoặc vật liệu khác và không yêu cầu về chất lượng chịu lực. Do đó, vật liệu đang gia tải tại gói thầu XL-11 hoàn toàn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật gia tải của công trình.

Vật liệu gia tải xử lý nền đất yếu chỉ nhằm mục đích tạo ra trọng lực để ép nước trong vùng đất yếu ra ngoài, làm cho nền đường chắc chắn hơn. Sau khi hết thời gian gia tải tại gói thầu XL-11 (khoảng tháng 11, tháng 12.2020), đơn vị thi công sẽ dỡ tải, bốc toàn bộ phần đá nói trên và chuyển đi nơi khác. Số đá bốc thải đó sẽ được các bộ phận chuyên môn thẩm định, đánh giá chất lượng để sử dụng vào công việc phù hợp chứ không phải đưa vào thi công lớp kết cấu áo đường như dư luận lo ngại.

Nhiều đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang được thảm nhựa mặt đường. Ảnh: K.Q

Trao đổi với phóng viên, một kỹ sư cầu đường đang theo dõi công trình Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận giải thích thêm: Vật liệu gia tải nền đường giao thông có chức năng giống như vật liệu dùng ép cọc xử lý móng các công trình nhà cao tầng. Người ta có thể dùng khối bê tông, khối sắt hoặc vật liệu khác để tạo trọng lực ép cọc xuống đất, không nhất thiết là vật liệu gì, miễn tạo đủ trọng lực để ép cọc xuống đất.

Dự án Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được đầu tư theo hình thức BOT do UBND tỉnh Tiền Giang là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về dự án. Toàn tuyến đường dài 51,1km, nằm trọn trong địa phận tỉnh Tiền Giang, đi qua vùng đất sình lầy, nền đất yếu, nên công tác gia tải mất khá nhiều thời gian. Điểm đầu dự án tại nút giao Thân Cửu Nghĩa, nối tiếp tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương, điểm cuối dự án giao với Quốc lộ 30 tại nút giao An Thái Trung, dưới chân cầu Mỹ Thuận. Dự kiến, dự án sẽ thông xe cuối năm 2020 và hoàn thành dịp 30.4.2021.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn