MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vụ đấu thầu mỏ cát 2.800 tỉ: Xử lý thế nào nếu đơn vị trúng thầu bỏ cuộc?

Lục Tùng (th) LDO | 20/04/2021 09:42

Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh An Giang Nguyễn Việt Trí trao đổi với Lao Động xung quanh thông tin trong trường hợp đơn vị trúng đấu giá tự ý hủy kết quả trúng thầu mỏ cát 2.800 tỉ đồng.

Thưa ông, dư luận cho rằng, đơn vị trúng thầu mỏ cát 2.800 tỉ đồng có nguồn gốc là doanh nghiệp giặt là và chỉ mới đăng ký ngành nghề chuẩn bị mặt bằng... nên đặt ra nhiều hoài nghi về khả năng hợp pháp?

Khai thác mỏ cát trên sông Tiền được tỉnh An Giang tổ chức đấu giá công khai từ nhiều năm nay. Ảnh: Lục Tùng

Trước hết, trong trường hợp trúng thầu mỏ cát 2.800 tỉ đồng, Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ T-S.HOME có vốn điều lệ đáp ứng yêu cầu đấu thầu, theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là 27 tỉ đồng và Thư cam kết tài trợ vốn vay thực hiện dự án 50 tỉ đồng của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Chi nhánh Bình Tây (văn bản xác nhận cho vay số CK 000910 ngày 4.1.2021).

Sau khi công ty trúng đấu giá, Sở Tài nguyên và Môi trường đã làm việc với đơn vị trúng đấu giá để xác nhận, chứng minh nguồn lực tài chính cụ thể và thống nhất thời gian nộp tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo Điều 8, Thông tư Liên tịch số 54/2014/TTLT-BTNMT-BTC ngày 9.9.2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính, Phương thức thu tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản thực hiện theo Điều 7, Thông tư Liên tịch số 54/2014/TTLT-BTNMT-BTC ngày 9.9.2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính.

Vận chuyển cát sau khi khai thác phục vụ các công trình xây dựng. Ảnh: Lục Tùng

Cụ thể, số tiền Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ T-S.HOME phải nộp năm đầu tiên là 140,550 tỉ đồng để được cấp quyền khai thác. Trong 4 năm tiếp theo, mỗi năm phải nộp 667,853 tỉ đồng. Thời gian khai thác mỏ là 12 năm, mỗi năm khai thác 200.000m3. Trường hợp Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ T-S.HOME không chứng minh được khả năng tài chính đáp ứng nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản như trên, công ty sẽ không còn quyền của đơn vị trúng đấu giá khu mỏ này.

Giả sử, công ty tự ý bỏ kết quả trúng thầu có phạm luật và sẽ xử lý thế nào, thưa ông?

Hiện nay, luật không cấm đơn vị trúng đấu giá tự ý hủy kết quả phiên đấu giá, nhưng luật có nhiều quy định điều chỉnh hành vi này. Cụ thể, nếu bỏ kết quả trúng thầu, doanh nghiệp không được hoàn trả tiền đặt trước theo quy định tại Điểm d, Khoản 2, Điều 6, Nghị định số 22/NĐ-CP ngày 26/3/2012 của Chính phủ. Ngoài ra, đơn vị trúng đấu giá này sẽ không được tham gia bất kỳ phiên đấu giá nào trong thời hạn 01 năm kể từ ngày kết thúc phiên đấu giá mỏ cát này theo quy định tại Khoản 3, Điều 8, Nghị định số 22/NĐ-CP ngày 26/3/2012 của Chính phủ.

Khai thác cát trên sông Tiền. Ảnh: Lục Tùng

Nếu đơn vị trúng thầu tự hủy kết quả, đơn vị có giá liền kề có trúng giá?

Đơn vị có giá liền kề sẽ không được xem xét trúng đấu giá tại phiên đấu giá này.

Nếu đấu giá lại sẽ thực hiện như thế nào?

Đối với trường hợp tổ chức đấu giá lại quyền khai thác khoáng sản tại khu mỏ nói chung, mỏ cát 2.800 tỉ đồng nói riêng, việc đấu giá cũng sẽ thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục về đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Giá khởi điểm của khu mỏ và bước giá cũng sẽ được cấp thẩm quyền quyết định đảm bảo đúng quy định theo Nghị định số 22/NĐ-CP ngày 26/3/2012 của Chính phủ và Thông tư Liên tịch số 54/2014/TTLT-BTNMT-BTC ngày 09/9/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính, đảm bảo việc đấu giá sẽ mang nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Trường hợp đơn vị trúng đấu giá không thực hiện các trình tự thủ tục đảm bảo theo quy định, UBND tỉnh An Giang sẽ hủy kết quả phiên đấu giá.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn