MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các hộ dân phản ánh tới phóng viên Báo Lao Động.

Vụ "đê trăm tỉ làm khổ dân" ở Phú Thọ: Mòn mỏi chờ sổ đỏ

Tô Công LDO | 14/08/2023 13:14

Phú Thọ - Đã 12 năm sau khi di dời để làm dự án đê trăm tỉ, người dân xã Điêu Lương vẫn chưa thể tái định cư và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ).

Những ngày qua, người dân vui mừng khi tuyến đường đê Ngòi Cỏ đoạn qua xã Điêu Lương và Đồng Lương, huyện Cẩm Khê được UBND huyện này đầu tư gần 26 tỉ đồng để cải tạo, nâng cấp.

Trước đó, tuyến đường đê này xuống cấp nghiêm trọng sau khi dự án: Nâng cấp đê tả, đê hữu Ngòi Cỏ, làm đường sơ tán dân huyện Cẩm Khê tạm dừng. Dự án "ồn ào" này của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Phú Thọ (NNPTNT) có tổng dự toán duyệt là gần 105 tỉ đồng, khởi công từ năm 2011 nhưng sau đó dừng lại vì thiếu vốn.

Xen lẫn niềm vui tuyến đường đê Ngòi Cỏ vừa được đầu tư cải tạo, nâng cấp là những nỗi buồn kéo dài cả thập kỷ. Ảnh: Tô Công

Dư âm của dự án trăm tỉ này không chỉ có vậy, mà 8 hộ dân sống tại xã Điêu Lương mất đất, mất nhà sau giải phóng mặt bằng đến nay vẫn mòn mỏi chờ đợi được tái định cư và cấp GCNQSDĐ.

Về việc này, trong năm 2022, Báo Lao Động đã có loạt bài phản ánh về thực trạng khu tái định cư của dự án, một khu tái định cư theo lời phản ánh của người dân là "ba không": không điện, không nước, không sổ đỏ.

Đến nay, các hộ dân vẫn không thể đến sinh sống, có gia đình phải sống chung trong căn nhà chật chội, thậm chí có trường hợp phải lập lán tôn cho con ở tạm; muốn thế chấp, vay mượn để phát triển kinh tế cũng khó vì không có GCNQSDĐ...

Không thể tái định cư, bà Vũ Thị Thông (75 tuổi) - 1 trong 8 hộ - phải dựng lán tôn cho con ở tạm. Ảnh: Tô Công

Gặp phóng viên Báo Lao Động trong một buổi chiều giữa tháng 8, các hộ dân tỏ rõ sự mệt mỏi khi chờ đợi được tái định cư và cấp GCNQSDĐ. Hơn 1 thập kỷ đã trôi qua, không biết bao nhiêu lần đi "gõ các cửa", 8 hộ dân này đã mất rất nhiều thời gian và tiền bạc, kinh tế vốn đã khó khăn nay càng kiệt quệ hơn.

Bà Bùi Thị Thiết (tại khu Đồng Chè, xã Điêu Lương) - 1 trong 8 hộ dân - than thở: "Chúng tôi đã rất kiên nhẫn, chờ đợi hết năm này qua năm khác. Một lần nữa mong muốn các cấp, các ngành giải quyết, cấp sổ đỏ cho chúng tôi trong thời gian sớm nhất".

Khu tái định cư “ba không” chỉ là một quả đồi ven đê, có duy nhất 1 hộ dân sinh sống. Ảnh: Tô Công

Nút thắt trong việc cấp GCNQSDĐ cho 8 hộ dân là việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với diện tích đất được giao. Tuy nhiên, nút thắt này chưa thể tháo gỡ không phải lỗi ở người dân.

Toàn cảnh tuyến đê Ngòi Cỏ, nơi triển khai dự án cải tạo, nâng cấp đê trăm tỉ 12 năm về trước. Ảnh: Tô Công

Chiều 13.8, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Tuyến - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cẩm Khê - cho biết, vì dự án Nâng cấp đê tả, đê hữu Ngòi Cỏ, làm đường sơ tán dân huyện Cẩm Khê không có phương án bồi thường, nên không thể thực hiện nghĩa vụ tài chính trên diện tích đất tái định cư đã được giao cho 8 hộ dân.

"Để tháo gỡ, sau khi huyện xin ý kiến, UBND tỉnh đã có giải pháp là lập bổ sung phương án bồi thường cho dự án. Qua đó, 8 hộ dân sẽ được trả lại đất, cấp GCNQSDĐ bằng với diện tích đã thu hồi" - ông Tuyến thông tin.

Ngày 8.12.2022, trả lời chất vấn của đại biểu liên quan đến dự án đê Ngòi Cỏ tại kỳ họp thứ Năm - HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIX, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Phú Thọ cho hay, lý do dự án dừng lại năm 2017 do thiếu vốn.

Cùng ngày, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương đến tuyến đê Ngòi Cỏ kiểm tra và xác định quy trình thu hồi, bồi thường, giao tái định cư của 8 hộ dân có lỗi của cơ quan Nhà nước (từ những năm đầu triển khai dự án).

Qua đó, các thành phần tham dự đã thống nhất ý kiến, báo cáo đề xuất UBND tỉnh Phú Thọ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất và cấp GCNQSDĐ cho 8 hộ dân tương ứng diện tích đã thu hồi, miễn thu tiền sử dụng đất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn