MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vụ “đổi giấy phép” đối phó lệnh cấm ở Cần Thơ: Doanh nghiệp lên tiếng

TRẦN LƯU LDO | 09/03/2021 11:11

Sau khi Báo Lao Động phản ánh tình trạng các cơ sở karaoke, quán bar, vũ trường… ở Cần Thơ “đổi giấy phép” đối phó với lệnh cấm, nhiều cơ sở đã lên tiếng trình bày những khó khăn kéo dài trong hơn 1 năm qua khiến các doanh nghiệp gần như bị kiệt quệ.

Anh Phan Trần Thanh Long - chủ cơ sở INU Beer club & Lounge Cần Thơ (đường Trần Phú, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều) - cho biết: Cơ sở hiện có hơn 80 người lao động làm việc với tiền thuê mặt bằng 80 triệu đồng/tháng. Hơn 1 năm qua, TP.Cần Thơ đã nhiều lần cho tạm dừng hoạt động các quán bar, karaoke, vũ trường… và các cơ sở đều chấp hành nghiêm, bởi an toàn phòng chống dịch COVID-19 là trên hết.

Nhưng do dịch bệnh, người dân hạn chế tập trung đông người đã khiến việc kinh doanh ế ẩm. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua là thời điểm “ăn nên làm ra” của các cơ sở, nhưng đã phải tạm dừng hoạt động để phòng dịch, dẫn đến sự kiệt quệ chưa từng có cho các cơ sở. Do vậy, chúng tôi cố gắng duy trì hoạt động những nội dung vẫn được cho phép để kinh doanh, nhằm trang trải, vượt qua khó khăn, có tiền trả mặt bằng và tiền lương cho người lao động.

Hiện tại, cơ sở đang sử dụng giấy phép kinh doanh “Nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động”. Dù trong tình huống nào vẫn đảm bảo các quy định phòng chống dịch.

Cơ sở INU Beer club & Lounge Cần Thơ (đường Trần Phú, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều) hiện có tới có 80 nhân viên, người lao động đang làm việc. Ảnh: P.V

Theo khảo sát thực tế của PV, các cơ sở kinh doanh karaoke, bar, vũ trường… hầu hết đều thuê mặt bằng ở những vị trí đắc địa, chủ yếu nằm ở phường Cái Khế, quận Ninh Kiều. Giá thuê thấp nhất không dưới 50 triệu đồng/tháng và cao nhất trên 100 triệu đồng/tháng.

Anh Trần Hồng Phúc - quản lý một cơ sở karaoke ở đường Phạm Ngọc Thạch, phường Cái Khế - chia sẻ: “Việc đổi giấy phép kinh doanh karaoke sang nhà hàng, dịch vụ ăn uống, không nhằm mục đích lách luật hay làm trái luật. Và trên thực tế, vào những thời điểm bình thường, các cơ sở đều chấp hành tốt quy định của pháp luật. Đó là cách để các cơ sở “hợp pháp hóa” việc mưu sinh, tự cứu mình, khi dịch bệnh đang khiến tất cả kiệt quệ và mệt mỏi.

“Nguồn thu nhập ít ỏi đó là để trang trải khó khăn, ít nhất là để trả lương cho người lao động đã gắn bó và làm việc với cơ sở nhiều năm” - quản lý này nói.

Ông Mai Văn Âu - Phó Chủ tịch UBND phường Cái Khế, quận Ninh Kiều - cho hay, Cái Khế là phường trung tâm ở Ninh Kiều, chỉ riêng phường này đã có đến hơn 100 cơ sở karaoke, bar, vũ trường, mát-xa, nhà hàng, ăn uống… Hơn 1 năm xảy ra dịch COVID-19, các cơ sở đều bị khó khăn, kiệt quệ. Xã hội đã lan tỏa những câu chuyện tình người, khi chủ nhà trọ miễn tiền thuê nhà cho người lao động nghèo; Chính phủ, Nhà nước cũng đã có những chính sách về cứu trợ, miễn giảm tiền điện… nhưng câu chuyện về miễn giảm tiền thuê mặt bằng lại ít được ai nhắc đến…

Ông Nguyễn Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều - cho biết thêm: Toàn quận hiện có trên 300 cơ sở karaoke, bar, vũ trường… Thời gian qua, những cơ sở này đã có những đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế đêm, theo định hướng mà quận đang hướng đến. Do dịch bệnh kéo dài, các cơ sở đã phải đóng cửa nhiều lần, việc kinh doanh sa sút nghiêm trọng. Ngay cả thời điểm được phép hoạt động, lượng khách cũng thưa vắng, do người dân lo sợ đến nơi đông người. Có những cơ sở may mắn được chủ nhà giảm tiền thuê mặt bằng, nhưng nhiều trường hợp thì không.

Theo ông Ánh, vừa qua, đã có Nghị quyết 42 của Chính phủ về hỗ trợ khó khăn cho người dân trong đại dịch COVID-19. Theo đó, các cơ sở thuộc nhóm doanh nghiệp sẽ được tiếp cận vốn vay, hoặc miễn giảm thuế. Tuy nhiên, khi việc kinh doanh sa sút, làm ăn không được thì có miễn giảm cũng không mang nhiều ý nghĩa. Ngoài những chính sách trên, hầu như chưa có hỗ trợ nào dành cho các cơ sở…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn