MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nữ VĐV (áo đỏ, che mặt) bị BTC kết luận là thi đấu không trung thực, gian lận. Ảnh: TPM.

Vụ gian lận của 2 VĐV marathon và danh dự đi… tong!

Thế Lâm LDO | 01/04/2021 07:32

Từ phản ánh của VĐV tham gia cự ly 21km phong trào tại Tiền Phong Marathon 2021 (tổ chức từ ngày 26-28.3.2021 tại Pleiku, Gia Lai), BTC đã vào cuộc điều tra làm rõ, và phát hiện nữ VĐV Ngô Mỹ Liên, mang số BIB 81896, đã thi đấu không trung thực, gian lận.

Số BIB 81896 (được hiểu như số báo danh) của nữ VĐV này đã được đưa cho nam VĐV tên Lê Đức Kế (số BIB 80744) mang để thi đấu.

Kết quả, số BIB 81896 về đích với thời gian 1:48:11 (1 giờ, 48 phút, 11 giây), còn số BIB 80744 về đích với thời gian 1:48:07.

Các hình ảnh của BTC còn ghi lại được cho thấy, VĐV Kế đã mang tới 2 BIB, số BIB 80744 màu xanh ở ngoài, và một BIB màu hồng lộ ra ở phía trong.

Với “thành tích” 1:48:11, VĐV Ngô Mỹ Liên được nêu tên về nhất cự ly 21km phong trào lứa tuổi 45 trở lên dành cho nữ.

Cả 2 VĐV đã thi đấu không trung thực, vi phạm nghiêm trọng qui định, điều lệ giải. VĐV Ngô Mỹ Liên bị BTC hủy kết quả thi đấu, tước toàn bộ danh hiệu, giải thưởng có được từ việc thi đấu gian lận; bị cấm vĩnh viễn tham dự giải Tiền Phong Marathon.

VĐV Ngô Mỹ Liên phải hoàn trả toàn bộ giải thưởng, bao gồm tiền mặt, hiện vật và tặng phẩm về BTC trong vòng 5 ngày làm việc, kể từ 0h ngày 31.3.2021.

VĐV Lê Đức Kế vì tiếp tay cho VĐV Ngô Mỹ Liên gian lận, cũng bị BTC hủy kết quả thi đấu, bị cấm vĩnh viễn tham dự giải Tiền Phong Marathon.

Sau khi vụ gian lận của 2 VĐV được BTC công bố đã gây ngỡ ngàng không chỉ đối với hàng ngàn VĐV tham dự giải Tiền Phong Marathon vừa qua mà còn đối với làng chạy bộ trong cả nước.

Người ta ngỡ ngàng vì đây là vụ gian lận hi hữu đầu tiên tại một giải marathon có uy tín và bề dày lịch sử. Người ta kinh ngạc vì mức độ gian lận “động trời”.

Hầu hết dân chạy bộ nói chung và marathon nói riêng vốn chọn môn thể thao này là để rèn luyện sức khỏe và sống vui, để hòa đồng và gắn kết với tập thể, đồng đội, chứ không hẳn vì thành tích hay ham hố vật chất, giải thưởng.

Vụ gian lận bị chính cộng đồng chạy bộ nghi ngờ và phản ánh, cho thấy hành vi bất chính, không trung thực trước sau cũng bị lộ tẩy.

VĐV gian lận, dù ở giải chuyên nghiệp hay phong trào, không những chẳng được gì mà còn mất rất nhiều. Trường hợp 2 VĐV đề cập ở trên đã quá rõ là ê chề, và làm sao còn dám gặp gỡ, ăn nói với mọi người.

Đây có lẽ là vụ gian lận nghiêm trọng nhất từ trước tới nay trong giới chạy bộ phong trào tại Việt Nam.

Việc xử lý nghiêm và mạnh tay của BTC đã được cộng đồng VĐV tham gia Tiền Phong Marathon nói riêng và giới chạy bộ nói chung đồng tình.

Quyết định cấm cửa đối với 2 VĐV trên, hiện chỉ giới hạn tại giải Tiền Phong Marathon trong tương lai. Nhưng chưa biết chừng, các giải marathon phong trào khác, một khi đề cao tinh thần thi đấu trung thực và nét đẹp của thể thao, có thể cũng sẽ từ chối cho 2 VĐV này tham gia các giải từ nay về sau.

Phong trào chạy bộ nói chung và marathon nói riêng đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, mỗi năm với cả trăm giải lớn nhỏ được tổ chức, rất đáng để khích lệ, động viên.

Một số trường hợp gian lận chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng cũng chính là lời cảnh tỉnh đối với các VĐV nói chung: Hãy thi đấu trung thực, vượt qua chính mình bằng chính sức lực và khả năng của mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn