MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh cắt từ clip về một vụ học sinh đánh nhau bên ngoài trường học.

Vụ học sinh ẩu đả gây chết người: Ai quản học sinh bên ngoài học đường?

Thế Lâm LDO | 17/07/2020 14:02
Từ một vụ va chạm xe đạp điện xích mích nhỏ, hai nhóm học sinh lớp 9 ở Móng Cái (Quảng Ninh) kéo nhau đi giải quyết mâu thuẫn. Sau khi cãi vã, hai nhóm lao vào nhau ẩu đả khiến một em tử vong cách đây vài ngày.

Từ một vấn đề nhỏ về va quệt xe, nhưng cả hai bên không thể làm chủ được thái độ để dàn xếp, sinh ra hơn thua bằng bạo lực mới dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như thế.

Bạo lực học đường từ nhiều năm qua đã trở thành vấn nạn lớn chưa thể giải quyết và diễn biến ngày càng phức tạp. Đó không chỉ là nhóm đông bề hội đồng trêu ghẹo, dẫn đến cự cãi rồi đánh một học sinh, mà còn có trường hợp, giáo viên phạt nặng, đánh học sinh. Ở trường hợp ngược lại, phụ huynh học sinh vào trường hành hung các thầy cô giáo…

Trường học chưa bình yên thì vấn đề tôn sư trọng đạo còn gợn sóng, trò học chưa yên mà thầy dạy cũng khó toàn tâm toàn ý.

Khi các vụ bạo lực học đường xảy ra, lỗi thường được qui cho cá nhân các học sinh đã đành, mà còn kéo theo trách nhiệm của nhà trường, thầy cô giáo, giáo viên chủ nhiệm.

Vậy khi các nhóm học sinh vì mâu thuẫn kéo nhau ra bên ngoài trường để giải quyết, dẫn đến thương tật, tử vong thì trách nhiệm thuộc về ai?

Xin đừng bắt nhà trường phải gánh chịu tất cả. Bởi bên ngoài trường là xã hội, là sự quản lí của các bậc phụ huynh, là những người lớn có trách nhiệm phải can thiệp kịp thời khi thấy học sinh ẩu đả và bạo lực với nhau. Song điều này cho đến nay vẫn là vấn đề nan giải. Nhà trường chưa thể chấm dứt hẳn các vụ bạo lực học đường. Nhưng bên ngoài nhà trường, công tác quản lí, giám sát các em cũng chưa chặt chẽ. Những cuộc tụ tập đông người với mầm mống có thể xảy ra bạo lực chưa được ngăn chặn kịp thời.

“Nhân chi sơ tính bản thiện”. Mỗi người sinh ra đều có bản tính thiện lương. Cái ác len lỏi vào tính cách song hành với quá trình sống, nhưng cũng cho thấy phần nào đó sự thất bại trong việc “trồng người”.

Trong không ít vụ việc bạo lực trong học sinh xảy ra, dư luận cực đoan đổ hết việc “trồng người” cho nhà trường. Như vậy là không công bằng. Nếu cho rằng việc “trồng người” không chỉ có kiến thức mà còn về tu dưỡng đạo đức, lẽ sống…, thì cả gia đình và xã hội cũng có trách nhiệm.

Khi bạo lực học đường xảy ra, không sai khi chúng ta qui trách nhiệm cho nhà trường và sự dạy dỗ.

Vậy khi bạo lực học sinh xảy ra ở bên ngoài nhà trường, câu hỏi cần đặt ra là người lớn ở đâu? Người lớn không phải lúc nào cũng kè kè bên con em để giám sát, mà thể hiện ở vai trò, trách nhiệm quản lí, chỉ bảo, rèn tính cho con em mình.

Vụ ẩu đả giữa hai nhóm học sinh ở Móng Cái khiến một em tử vong là trường hợp hiếm hoi về bạo lực trong giới học sinh dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là cái chết. Quá đau lòng nhưng nếu không được nhìn nhận, mổ xẻ để quản lí chặt quãng thời gian học sinh không ở nhà và ở bên ngoài nhà trường thì còn có thể xảy ra nhiều vụ việc đáng tiếc, đau lòng.

Vậy thì cần phải quản chặt hơn quãng thời gian các em học sinh không ở nhà nhưng cũng đã rời lớp sau buổi học. Đó chính là quãng thời gian có thể có rất nhiều điều không hay xảy đến với các em.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn