MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cơ quan chức năng tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với bị can Lê Thị Dung. Ảnh: Công an Nghệ An

Vụ kết án bà Lê Thị Dung 5 năm tù: Cần phân biệt giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên

QUANG ĐẠI LDO | 05/05/2023 10:05

Tại phiên tòa xét xử bà Lê Thị Dung - nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) huyện Hưng Nguyên - bị kết án 5 năm tù, bị cáo cho rằng, cơ quan tố tụng đã sử dụng văn bản của giáo dục phổ thông để làm căn cứ xem xét đúng sai đối với quy chế chi tiêu nội bộ của cơ sở GDTX.

Như Lao Động đã thông tin, ngày 24.4, tại phiên xử sơ thẩm, Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) đã tuyên phạt bà Lê Thị Dung - nguyên Giám đốc Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên - 5 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Hội đồng xét xử cáo buộc trong quá trình làm Giám đốc Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên, bà Lê Thị Dung đã chỉ đạo xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ và thanh toán nhiều khoản cho bản thân trái pháp luật, gây thiệt hại số tiền gần 45 triệu đồng.

Cơ quan tố tụng cho rằng, quy chế chi tiêu nội bộ của Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên có nhiều nội dung trái với quy định tại Thông tư 28/2009 ngày 21.10.2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo “Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông”.

Tại phiên tòa, bà Lê Thị Dung cho hay, đơn vị đặc thù có tên gọi là Trung tâm GDTX, không phải là cơ sở giáo dục phổ thông nên không thuộc đối tượng áp dụng của Thông tư số 28/2009.

Tuy nhiên, hội đồng xét xử nhận định: “Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên là cơ sở giáo dục phổ thông theo Quyết định số 01/2007 thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 4 Luật Giáo dục năm 2005 nên Trung tâm GDTX thuộc đối tượng áp dụng của Thông tư 28/2009”.

Ông Lê Văn Vỵ - nguyên Giám đốc Trung tâm GDTX huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) - trao đổi: “GDTX và giáo dục phổ thông là hai hệ, hai lĩnh vực khác nhau được quy định rõ trong Khoản 1, Điều 4, Luật Giáo dục 2005. Điều 46, Luật Giáo dục 2005 cũng nêu cơ sở GDTX bao gồm: Trung tâm GDTX được tổ chức tại cấp tỉnh và cấp huyện; Trung tâm học tập cộng đồng được tổ chức tại xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã).

Trong khi đó, tại Điều 30, Luật Giáo dục 2005 cũng nêu “Cơ sở giáo dục phổ thông bao gồm: Trường tiểu học; Trường trung học cơ sở; Trường trung học phổ thông; Trường phổ thông có nhiều cấp học; Trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp”.

Cũng theo ông Lê Văn Vỵ, Trung tâm GDTX có rất nhiều chức năng nhiệm vụ khác so với trường phổ thông: Dạy chương trình xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ; Chương trình giáo dục đáp ứng yêu cầu của người học, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ; Chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, dạy nghề, hướng nghiệp...

Về phân cấp quản lý, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) quản lý Trung tâm GDTX về mặt chuyên môn chương trình bổ túc văn hóa, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) quản lý về mảng dạy nghề, UBND cấp huyện quản lý về mặt tài chính.

Cũng tại phiên tòa, giải thích nguyên nhân không gửi Quy chế chi tiêu nội bộ về Sở GDĐT, bà Lê Thị Dung cho biết, do Sở GDĐT không quản lý về mặt tài chính, nên chỉ gửi cho cơ quan quản lý tài chính là UBND huyện Hưng Nguyên (thông qua Phòng Tài chính).

Tuy nhiên, vị đại diện Viện Kiểm sát vẫn cho rằng, Sở GDĐT là cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp nên việc Trung tâm GDTX không gửi quy chế chi tiêu nội bộ về cơ quan này là sai.

Được biết, bà Dung đã có đơn kháng cáo kêu oan. Đến nay, bà Lê Thị Dung vẫn tiếp tục bị tạm giam để chuẩn bị xét xử phúc thẩm. Gia đình bà Dung cho biết, đã nhiều lần làm đơn xin bảo lãnh cho bà Dung tại ngoại nhưng không được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn