MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vụ “kiểm tra khống” mua bán điện mặt trời: Thiệt hại thế nào nếu trót lọt?

THIÊN BẢO LDO | 15/04/2021 16:32

Giá mua điện nếu chốt trước ngày 31.12.2020 là 1.943 đồng/kWh. Giá mua điện năm 2021 do Bộ Công Thương đề xuất với Chính phủ từ khoảng 1.340 đồng/kWh. Như vậy, giá mua điện chênh lệch giữa năm 2020 và 2021 là khoảng 600 đồng/kWh. Nếu vụ việc "kiểm tra khống" ký 5 hợp đồng mua bán điện mặt trời trót lọt, số tiền thiệt hại có thể lên đến hàng chục tỉ đồng.

Liên quan đến vụ "kiểm tra khống" hợp đồng mua bán điện mặt trời tại Sóc Trăng, trả lời Báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Nam - cho biết: Những vi phạm tại chi nhánh Điện lực Trần Đề đã được Giám đốc Công ty Điện lực Sóc Trăng chủ động chấn chỉnh, không để xảy ra bất cứ thiệt hại nào, không để xảy ra sai phạm, vi phạm Quyết định 13. Sau khi phát hiện sự việc này, ngày 12.1.2021 (thời điểm này vẫn chưa mua kW nào vì chỉ mới đóng điện), Công ty Điện lực Sóc Trăng yêu cầu huỷ hợp đồng không có công suất, còn những hợp đồng không đúng công suất thực tiễn thì điều chỉnh lại cho đúng.

Theo tìm hiểu của PV, với giá điện được quy định mới, nếu vụ việc không được phát hiện và xử lý kịp thời, những hợp đồng mua bán điện mặt trời trên được thực hiện, nhà nước sẽ tổn thất số tiền không hề nhỏ. Cụ thể, theo một chuyên gia ngành điện, với công suất của 5 trạm biến áp trên thì mỗi trạm có thể phát từ 135.000kWh đến 150.000kWh, tối đa có thể lên tới 160.000kWh/tháng

Giá mua điện chốt ngày 31.12.2020 là 1.943 đồng/kWh. Giá mua điện năm 2021 do Bộ Công Thương đề xuất với Chính phủ từ khoảng 1.340 đồng/kWh. Như vậy, giá mua điện chênh lệch giữa năm 2020 và 2021 là khoảng 600 đồng/kWh. Lấy bình quân mỗi tháng, Điện lực Sóc Trăng mua khoảng 150.000kWh thì giá mua điện chênh lệch là khoảng 90 triệu đồng/tháng, 1 năm là gần 1,1 tỉ đồng. Với 5 trạm biến áp trên, con số chênh lệch sẽ lên đến khoảng 5,4 tỉ đồng.

Nếu 5 hợp đồng mua bán điện trên được thực hiện, nhà nước phải trả thêm số tiền 5,4 tỉ đồng để mua điện mặt trời mỗi năm. Hợp đồng mua bán điện trên có thời hạn 5 năm, con số thiệt hại cho nhà nước lên đến hàng chục tỉ đồng.

Một trong số các trạm điện mặt trời tại xã Liêu Tú, huyện Trần Đề. Ảnh: TR.L.

Như Lao Động đã thông tin, cuối năm 2020 vừa qua, ông Lê Trương Duy Tuấn, khi đó là Phó Giám đốc Chi nhánh điện lực huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) đã ký vào 5 biên bản kiểm tra hệ thống điện mặt trời mái nhà (đấu nối ban đầu) thuộc công trình, gồm: 2 trạm của Công ty CP PN Solar; 1 trạm của Công ty TNHH Power Nature Solar và 2 trạm của Công ty TNHH Power Nature.

Theo kết quả của biên bản, mỗi trạm đều lắp đặt hoàn thành 9 bộ Inverter với công suất 110kW/bộ và 2.280 tấm pin. Tổng cộng 5 bộ có công suất 4.950kW và 11.400 tấm pin.

Từ kết quả kiểm tra trên, ngày 30.12.2020, ông Dương Hoài Du - Giám đốc chi nhánh điện lực Trần Đề - đã ký 5 hợp đồng mua bán điện mặt trời đối với các chủ đầu tư mà ông Tuấn đã kiểm tra trước đó. Mỗi hợp đồng có công suất 990kW, tương ứng với từng mã khách hàng khác nhau.

Tuy nhiên, sau khi Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Sóc Trăng vào cuộc đã phát hiện, các công trình chỉ thi công được 2.280 tấm pin, có công suất tương đương 990kW. So với kết quả kiểm tra của ông Tuấn tại các biên bản thì thiếu đến 9.120 tấm pin.

Kết quả xác minh của Điện lực tỉnh Sóc Trăng cho thấy, ông Tuấn trên thực tế đã không ra hiện trường kiểm tra mà chỉ dựa vào hồ sơ của các chủ đầu tư công trình.

Với những sai phạm trên, Điện lực Sóc Trăng đã kỷ luật cách chức đối với ông Lê Trương Duy Tuấn - Phó Giám đốc Chi nhánh Điện lực Trần Đề và có hình thức kỷ luật khác với hàng loạt cán bộ có liên quan.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn