MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vụ kiện Công ty phần mềm CMC 30 tháng chưa xét xử: Có vi phạm luật tố tụng?

Trần Tuấn LDO | 09/08/2022 06:30

Theo luật sư, vụ Công ty Hải Âu kiện Công ty phần mềm CMC bị Toà án nhân dân quận Cầu Giấy "ngâm" 30 tháng chưa đưa ra xét xử là vi phạm nghiêm trọng luật tố tụng.

30 tháng đợi toà xét xử

Trong bài viết trước, Báo Lao Động đã phản ánh việc, ngày 17.1.2020, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hải Âu (sau đây gọi tắt là Công ty Hải Âu) đã khởi kiện Công ty TNHH giải pháp phần mềm CMC (sau đây gọi tắt là công ty CMC) ra Toà án nhân dân quận Cầu Giấy (TP.Hà Nội) về việc không thực hiện đúng và đủ nghĩa vụ của hợp đồng đã ký kết.

Theo đó, vào 30.8.20218, Công ty Hải Âu ký hợp đồng mua phần mềm Sap Business one của Công ty CMC trị giá 800 triệu đồng.

Tuy vậy, Công ty CMC bàn giao phần mềm cho Công ty Hải Âu chậm 8 tháng so với cam kết trong hợp đồng. Đồng thời, phần mềm Công ty CMC cung cấp không sử dụng được do không thể nhập liệu, liên tục báo lỗi, xảy ra sự cố, nhiều lần không thể truy cập.

Bên cạnh đó, phần mềm cũng không đảm bảo 100 người dùng cùng lúc như cam kết trong hợp đồng. Công đoạn hỗ trợ khách hàng của Công ty CMC thì luôn chậm trễ, kéo dài. 

Phần mềm trị giá 800 triệu đồng của Công ty CMC liên tục báo lỗi hoặc không thể truy cập được. Ảnh: Hữu Chánh

Sau nhiều lần Công ty Hải Âu đã gửi công văn đề nghị công ty CMC chấm dứt hợp đồng, Tổng Giám đốc Công ty CMC là ông Nguyễn Kim Cương đã thừa nhận có 2 lỗi là không thể cung cấp được phần mềm có khả năng 100 người dùng cùng lúc như cam kết trong hợp đồng và chậm trễ hỗ trợ khách hàng khi có phản ánh lỗi phần mềm.

Tuy nhiên sau đó, phía Công ty CMC không có động thái đền bù về việc vi phạm hợp đồng. Công ty Hải Âu đã kiện CMC ra toà. Ngày 10.2.2020, Toà án Nhân dân quận Cầu Giấy đã có thông báo thụ lý vụ án. Sau đó, toà đã mời 2 bên lên thương lượng và hoà giải nhưng không thành công.

Đợi hơn nửa năm không thấy toà thông báo xét xử, tháng 9.2020, Công ty Hải Âu tiếp tục gửi đơn "Đề nghị thụ lý vụ án lần 1". Sau đó, được Toà án Nhân dân quận Cầu Giấy phản hồi, "đang nhiều hồ sơ chưa tới lượt".

Tháng 6.2021, Công ty Hải Âu tiếp tục gửi đơn "Đề nghị thụ lý vụ án lần 2" và nhận được phản hồi đang dịch, chưa mở được phiên tòa.

Đến tháng 3.2022, Công ty Hải Âu gửi tiếp đơn "Đề nghị thụ lý vụ án lần 3" nhưng đến nay phiên toà cũng vẫn chưa thể xét xử và Công ty Hải Âu cũng chưa nhận được thông báo lý do vì sao.

Hiện trạng phần mềm trị giá hơn 800 triệu đồng mà Công ty Hải Âu mua từ Công ty CMC. Ảnh: Chụp màn hình

Dấu hiệu vi phạm luật tố tụng?

Về việc, phiên toà chưa thể diễn ra sau 30 tháng có thông báo thụ lý vụ án, chúng tôi đã liên hệ với Toà án Nhân dân quận Cầu Giấy để tìm hiểu lý do nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi.

Trao đổi với phóng viên Lao Động, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, theo Bộ luật tố tụng Dân sự, thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án dân sự là 4 - 6 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Trừ trường hợp, có quyết định tạm đình chỉ vụ án bởi các lý do nào đó, ví dụ cần trưng cầu giám định. Như vậy, vụ án có thể kéo rất dài.

"Với những gì mà đại diện Công ty Hải Âu thông tin thì vụ án không có quyết định tạm đình chỉ. Như vậy, việc kéo dài chưa đưa vụ án ra xét xử đang có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng luật tố tụng" - luật sư Quách Thành Lực nhận định. 

Đại diện Công ty Hải Âu cho biết thêm, mỗi ngày trôi qua khi chờ Toà án Nhân dân quận Cầu Giấy xét xử vụ án, doanh nghiệp lại thêm thiệt hại. Hiện, mỗi tháng, Công ty Hải Âu phải mất 2,3 triệu đồng để duy trì server cho một phần mềm lỗi, không thể sử dụng của Công ty CMC (để lưu trữ các dữ liệu làm bằng chứng liên quan - PV).

"Chúng tôi mong Toà án Nhân dân quận Cầu Giấy sớm đưa vụ án ra xét xử theo đúng quy định của pháp luật" - đại diện Công ty Hải Âu nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn